Sắp tới, phụ cấp với hội thẩm nhân dân có thể tăng lên mức 150.000 đồng/ ngày?
TAND Tối cao vừa ban hành dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, trong đó có đề xuất tính lại phụ cấp xét xử đối với hội thẩm nhân dân (HTND) đang từ 90.000 đồng lên mức khoảng 150.000 đồng/ngày làm việc.
Theo cơ quan soạn phảo, phụ cấp cho HTND hiện nay được tính theo ngày làm việc. Trong khi đó, một ngày HTND có thể phải xét xử nhiều vụ, hoặc có vụ xét xử kéo dài nguyên ngày. Lao động mà HTND bỏ ra để hỗ trợ cho tòa là rất lớn.
Trong khi đó, mức chi cho HTND hiện nay không đảm bảo quyền lợi cho họ, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Theo khoản 4 Điều 88 Luật Tổ chức TAND, HTND được hưởng phụ cấp xét xử, được cấp trang phục, giấy chứng minh HTND để làm nhiệm vụ xét xử.
Hiện nay, theo Quyết định 41/2012 của Thủ tướng về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, HTND được bồi dưỡng 90.000 đồng tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại tòa án các cấp.
Do đó, TAND Tối cao đề xuất các chi phí cho HTND gồm phụ cấp xét xử, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, các chi phí khác theo quy định. Trong đó, quy định mức phụ cấp xét xử bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.
Theo TAND Tối cao, cách tính phụ cấp cho HTND căn cứ vào lương cơ sở vì có ưu điểm là mức phụ cấp cho HTND với biến động về giá nên không phải sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thay vì quy định một mức cố định.
Ngoài nội dung trên, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng còn nêu rõ các chi phí khác như chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân, chi phí cho người chứng kiến, chi phí sao chụp tài liệu…
Đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; chi phí cho người chứng kiến, người dịch thuật trong tố tụng hình sự hiện nay chưa có văn bản quy định chi tiết.
Với chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa thì pháp luật hiện hành chỉ quy định riêng cho đối tượng là luật sư, trợ giúp viên pháp lý mà chưa có quy định cho bào chữa viên nhân dân.
Đối với các chi phí trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính…hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, các loại chi phí tố tụng này cần phải được quy định cụ thể trong dự thảo Pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính.