Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: Nhiều giải pháp gỡ khó

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Hết năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 29 trường học so với năm 2015. Trong ảnh: Giờ học Tin học tại Trường THCS Hùng Sơn (Đại Từ).

Hết năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 29 trường học so với năm 2015. Trong ảnh: Giờ học Tin học tại Trường THCS Hùng Sơn (Đại Từ).

Gọn bộ máy, giảm biên chế

Thực hiện Nghị quyết số 19, giai đoạn 2018-2023, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh đã thực hiện giảm 116 ĐVSNCL, đạt tỷ lệ 12,86% so với năm 2015 (chỉ tiêu đề ra là giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL so với năm 2015).

Tiêu biểu là ngành Giáo dục đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông, thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân, học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Toàn tỉnh đã sáp nhập 44 trường, sau sáp nhập giảm 22 trường; hình thành 16 trường liên cấp tiểu học và THCS tại 6 huyện, thành. Hết năm 2023, toàn tỉnh giảm 29 trường so với năm 2015. Qua sắp xếp đã giảm nhiều BC cán bộ quản lý, giáo viên các trường.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã giảm được 6 đơn vị trực thuộc Sở so với năm 2015; giảm 1 ĐVSNCL trực thuộc Chi cục so với năm 2015; giảm 20 phòng và tương đương thuộc ĐVSNCL. Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đã góp phần giảm đầu mối, khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Về tinh giản BC, từ năm 2016 đến năm 2021, Thái Nguyên giảm được 2.875 BC sự nghiệp, đạt 10,3% so với BC giao năm 2015; đến năm 2023 giảm thêm 1.664 BC.

Tỉnh chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về số lượng cấp phó của người đứng đầu ĐVSNCL.Trong thời gian thực hiện sắp xếp lại các ĐVSNCL, số lượng cấp phó của các đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất; trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc thu gọn bộ máy, giảm đầu mối ĐVSNCL, tinh giản BC đã đạt kết quả rất rõ nét, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản BC vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, góp phần giảm quy mô trường lớp, học sinh, biên chế cho các trường công lập. Trong ảnh: Giờ học ngoài trời tại Trường Mầm non Sunrise Kids, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, góp phần giảm quy mô trường lớp, học sinh, biên chế cho các trường công lập. Trong ảnh: Giờ học ngoài trời tại Trường Mầm non Sunrise Kids, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).

Không giao “cào bằng” về giảm biên chế

Ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ban hành văn bản về đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo Nghị quyết 74 của Quốc hội với yêu cầu đến hết năm 2023, cơ bản phải hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý, nhà đất.

Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 183/786 cơ sở nhà đất phải thực hiện sắp xếp sau khi sáp nhập (chiếm 23,28%) do các ĐVSNCL của tỉnh quản lý, nhưng chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, trong đó có những cơ sở nhà đất đã không được đưa vào sử dụng nhiều năm.

Tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh vừa qua, đại biểu Trần Văn Khương, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trả lời làm rõ. Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Đỗ Đức Công, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tích cực tham mưu để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp đối với 183 cơ sở nhà đất do các ĐVSNCL quản lý; khẩn trương đưa các cơ sở nhà đất này vào khai thác, sử dụng, không để hoang hóa, lãng phí.

Ngoài nội dung nêu trên, Thái Nguyên chưa đạt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 10% ĐVSNCL được phân loại ở mức ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên (hiện tỉnh có 1 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 50 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng 6,49%).

Trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, ngành Nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trao đổi với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Việc bàn giao Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật về các địa phương để sáp nhập với Trạm Khuyến nông thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố dẫn đến ngành Thú y chỉ còn 2 cấp là Trung ương và cấp tỉnh. Trong khi theo Luật Thú y cần có 4 cấp.

Với mô hình sáp nhập hiện nay, ngành Thú y đang gặp khó khăn khi thiếu chức năng quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở (do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện không có chức năng quản lý nhà nước nên rất khó khăn cho công tác quản lý thú y và kiểm dịch bệnh).

Trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản không thể ủy quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, bởi các trung tâm này không thuộc quản lý trực tiếp của chi cục.

Bên cạnh đó, mục tiêu của tinh giản BC là đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi BC những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác. Tuy nhiên, số BC được giảm thời gian qua chủ yếu vẫn tập trung ở những người nghỉ hưu. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, từ năm 2018-2023, thực hiện chính sách tinh giản BC cho 1.740 đối tượng (chia theo lý do tinh giản BC có 323 đối tượng do xếp loại chất lượng hàng năm và 1.093 đối tượng thực hiện chính sách về hưu trước tuổi)...

Mặc dù trong quá trình thực hiện còn không ít khó khăn, vướng mắc, song những kết quả mà tỉnh đạt được trong việc sắp xếp thu gọn bộ máy, tinh giản BC là rất rõ nét. Mục tiêu giảm 10% ĐVSNCL, 10% BC giai đoạn 2022-2026 là rất khó khăn. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành đề án và kế hoạch nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra so với giai đoạn trước. Quan điểm thực hiện của tỉnh về giao chỉ tiêu tinh giản BC trong khối công chức và các ĐVSNCL là không giao “cào bằng”, mà căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị...

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202410/sap-xep-bo-may-tinh-gian-bien-chenhieu-giai-phap-go-kho-13f0a0d/