Sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập
ĐBP - Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của việc tinh gọn bộ máy, góp phần xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau gần 2 năm thực hiện, được quan tâm chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã linh hoạt, công khai, minh bạch, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện.
Bộ máy hành chính xã Thanh Minh hoạt động ổn định, hiệu quả sau khi sáp nhập xã Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ). Trong ảnh: Người dân xã Thanh Minh giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, TP. Điện Biên Phủ tiến hành sáp nhập 2 xã: Thanh Minh và Tà Lèng thành xã Thanh Minh. Sau sáp nhập, xã Thanh Minh có tổng số 39 cán bộ, công chức; số dôi dư là 21 người. Bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập, năm 2020 UBND TP. Điện Biên Phủ đã thực hiện bố trí, sắp xếp cho 6 cán bộ, công chức. 9 tháng đầu năm 2021, TP. Điện Biên Phủ tiếp tục bố trí, sắp xếp cho 2 cán bộ, công chức vào các vị trí, chức vụ mới. Còn 13 người sẽ tiếp tục được giải quyết, sắp xếp theo lộ trình từ nay đến hết năm 2025 theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho biết: Sau gần 2 năm thực hiện sáp nhập, đến nay bộ máy hành chính xã mới đã hoạt động ổn định; vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. Hiện nay, xã Thanh Minh còn 13 cán bộ, công chức dôi dư chưa thể bố trí công việc. Trong thời gian chờ đợi, căn cứ vào vị trí, chuyên ngành công tác tại đơn vị cũ, những cán bộ, công chức này đã được UBND TP. Điện Biên Phủ trưng tập lên làm việc tại các phòng, ban, các hội, đoàn thể của thành phố như: Trung tâm Quản lý đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra, Phòng Nội vụ và Văn phòng UBND thành phố.
Về việc bố trí, sử dụng cán bộ dôi dư sau sáp nhập, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Trưởng phòng Nội vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: Những cán bộ, công chức chưa được bố trí, sắp xếp cũng có tâm lý lo lắng, nhất là những người phải thay đổi vị trí tăng cường từng năm theo lệnh trưng tập của UBND thành phố. Nắm được tâm lý đó, UBND xã Thanh Minh và UBND TP. Điện Biên Phủ đã giải thích, vận động các đồng chí đó ổn định tư tưởng, yên tâm công tác; UBND thành phố đảm bảo các chế độ, chính sách. Từ nay đến hết năm 2025, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư vào các vị trí và đảm nhận các nhiệm vụ tương xứng với trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của từng người. Nhờ đó, gần 2 năm qua, cán bộ, công chức dôi dư đã yên tâm công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các phòng, ban tiếp nhận cán bộ trưng tập ghi nhận, đánh giá cao.
Trước khi sáp nhập, chị Lò Thị Thiêm là công chức văn phòng UBND xã Tà Lèng. Sau khi sáp nhập 2 xã Tà Lèng và Thanh Minh, do chưa được sắp xếp, bố trí nên chị Thiêm được UBND TP. Điện Biên Phủ trưng tập làm việc tại Thành đoàn (năm 2020) và Phòng Nội vụ (năm 2021).
Chị Thiêm chia sẻ: Thời gian đầu, tôi cũng rất lo lắng khi chưa được sắp xếp, bố trí vị trí việc làm mới và phải liên tục đi tăng cường tại các phòng ban, tổ chức thuộc UBND TP. Điện Biên Phủ. Tuy nhiên sau khi biết được các chế độ, chính sách và kế hoạch sắp xếp cán bộ dôi dư của UBND thành phố, tôi đã yên tâm công tác và cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi vị trí công tác là một trải nghiệm mới để tôi có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Sau hơn 1 năm tăng cường tại các phòng ban trực thuộc UBND TP. Điện Biên Phủ, vừa qua ông Mai Nhữ Doanh là một trong hai người được thành phố sắp xếp, bố trí giữ các chức vụ mới.
Ông Mai Nhữ Doanh cho biết: Trước khi sáp nhập, tôi có một thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Lèng. Sau khi sáp nhập, năm 2020 tôi được Thành ủy Điện Biên Phủ trưng tập lên công tác tại Ban Dân vận. Đến tháng 4/2021, theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Điện Biên Phủ, tôi được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Phăng. Trên cương vị mới, tôi sẽ cố gắng, tận tâm, tận lực cống hiến, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng xã nông thôn mới Mường Phăng ngày càng phát triển.
Tuy không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng huyện Tủa Chùa cũng tiến hành sáp nhập các đơn vị trường học đủ điều kiện trên địa bàn để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Trong 2 năm (2019 - 2020), huyện Tủa Chùa đã tiến hành sáp nhập 9 đơn vị trường học thành 5 đơn vị trường học mới. Trong quá trình sáp nhập các trường đã dôi dư nhiều cán bộ là hiệu trưởng, hiệu phó. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, huyện Tủa Chùa đã sắp xếp, bố trí vị trí việc làm mới cho 100% cán bộ dôi dư.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Để giải quyết công tác nhân sự, ngay khi có chủ trương, kế hoạch sáp nhập các đơn vị nhà trường, huyện Tủa Chùa đã dừng việc bổ nhiệm các vị trí hiệu trưởng, hiệu phó các đơn vị nhà trường, dừng tuyển dụng mới ở các vị trí như: thư viện, y tế trường học, kế toán... Bên cạnh đó, Phòng cũng động viên cán bộ có thời gian công tác, đủ điều kiện nghỉ BHXH thì nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ. Vì vậy khi tiến hành sáp nhập các đơn vị trường học, số cán bộ dôi dư được UBND huyện, phòng bố trí, sắp xếp vào các đơn vị trường học còn khuyết, thiếu trên địa bàn.