Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Mở rộng không gian phát triển của các địa phương

Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là chủ trương lớn của Đảng nhằm góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực, tiềm năng, phát huy lợi thế của các địa phương, thúc đẩy phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Giảm 3 đơn vị

Theo UBND tỉnh, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 820 về sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện Tuy Phong, Tánh Linh và Đức Linh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức công bố Nghị quyết số 820 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, chủ động thực hiện kiện toàn, sắp xếp các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn; nhanh chóng đưa các ĐVHC mới đi vào hoạt động chính thức khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Trước khi sắp xếp, toàn tỉnh có 127 ĐVHC cấp xã gồm 96 xã, 19 phường và 12 thị trấn. Sau khi tổ chức thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 820 thì toàn tỉnh có 124 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn; giảm 3 đơn vị. Các địa phương thực hiện hợp nhất, kiện toàn tổ chức trong hệ thống chính trị theo quy định, hướng dẫn của cấp trên nên đã giảm được số lượng tương ứng nhưng vẫn đảm bảo nhân sự để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động (CB,CC,NLĐ) thống nhất với chủ trương sắp xếp ĐVHC, qua đó tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động. Các địa phương bố trí CB,CC, người hoạt động không chuyên trách bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thực hiện đúng các quy định về dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Sau sắp xếp đã dôi dư một bộ phận CB, CC, NLĐ. Do vậy, để động viên, khuyến khích người lao động dôi dư ổn định cuộc sống, ngoài các chế độ, chính sách quy định của Trung ương, HĐND tỉnh lấy ý kiến thống nhất của các bộ có liên quan ban hành chính sách hỗ trợ thôi việc đối với CB, CC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Tinh gọn nhưng hài hòa lợi ích

Theo kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023 - 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành; trong năm 2023 tỉnh sẽ tiến hành rà soát, xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp ĐVHC phù hợp với thực tiễn địa phương để giảm số lượng ĐVHC, tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống của nhân dân.

Để đạt yêu cầu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đề nghị việc sắp xếp phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 37, Kết luận số 48, Nghị quyết số 5 và Nghị quyết số 117. Thông qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Đối với UBND cấp huyện kịp thời xin ý kiến Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy dự kiến phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trước khi triển khai thực hiện. Riêng các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đội ngũ CB, CC và người hoạt động không chuyên trách để bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách kịp thời. Về phía Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các huyện, thị xã, thành phố khi thực hiện sắp xếp ĐVHC huyện, cấp xã. Đồng thời, hướng dẫn sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách đối với CB, CC, VC, NLĐ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Cùng với đó, phối hợp, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với CB, CC, VC, NLĐ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp...

Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Năm 2024, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ CB, CC, NLĐ tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp; tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với CB, CC, NLĐ dôi dư khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Năm 2025, tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và những người dôi dư sau đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 ở những ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau khi sắp xếp...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-mo-rong-khong-gian-phat-trien-cua-cac-dia-phuong-112228.html