Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Tĩnh - Bài cuối: Giải bài toán dôi dư cán bộ
Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, sau khi sáp nhập, tỉnh sẽ dư thừa 873 cán bộ công chức, 376 cán bộ không chuyên trách, 92 viên chức trạm y tế…
Lấy mục tiêu nhập xã để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân là quan điểm xuyên suốt, tỉnh Hà Tĩnh gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với việc tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, Hà Tĩnh đã và đang từng bước giải “bài toán khó” về cán bộ dôi dư và sắp xếp cơ sở vật chất dư thừa sau sáp nhập.
"Bài toán khó”
Có thể nói, công tác sắp xếp, bố trí cán bộ là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình thực hiện chủ trương, đề án sáp nhập. Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, sau khi sáp nhập, tỉnh sẽ dư thừa 873 cán bộ công chức, 376 cán bộ không chuyên trách, 92 viên chức trạm y tế…
Bên cạnh đó, việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức cho xã mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi số lượng cấp trưởng, cấp phó của các xã cũ dư thừa. Đặc biệt, đối với những huyện có số lượng các xã phải sáp nhập lớn, sáp nhập 3 xã với nhau thì đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã khi giữ chức vụ cấp phó sẽ trở thành cán bộ không chuyên trách… Nếu thực hiện không tốt sẽ tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bất ổn ở các địa phương.
Một bài toán nữa đặt ra cho các địa phương là việc bố trí số cơ sở vật chất dư thừa sau sáp nhập. Hiện nay, đa số trung tâm hành chính của các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp đều được xây dựng đồng bộ. Trong đó, 58/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 18/80 xã đảm bảo yêu cầu hoạt động và chỉ có 4 xã xuống cấp hoặc đang sử dụng tạm thời.
Sau khi sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 34 trụ sở hành chính được sử dụng để làm trụ sở xã mới, dư thừa 46 trụ sở hành chính (thuộc 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đảm bảo yêu cầu hoạt động, 4 trụ sở xuống cấp). Tuy nhiên, tại một số đơn vị hành chính thành lập mới, thiếu cơ sở hạ tầng do trung tâm hành chính xã mới phải điều chỉnh so với trung tâm hành chính xã cũ; một số địa phương khả năng không bố trí được trung tâm hành chính trên các trụ sở cũ do khoảng cách đi lại của người dân ở xã mới sắp xếp vào quá xa.
Nỗ lực tìm giải pháp
Là huyện đi đầu của tỉnh Hà Tĩnh khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện Đức Thọ trong năm 2019 sẽ tiến hành sắp xếp 28 xã, thị trấn xuống còn lại 16 xã, thị trấn. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: “Đến thời điểm này, sau khi cân đối, số cán bộ dôi dư theo quy định của huyện Đức Thọ là khoảng 350 người. Với kinh nghiệm có được từ sau đợt sáp nhập thôn, huyện Đức Thọ đã 'đi tắt đón đầu' bằng cách không phát sinh thêm cán bộ mới mà cho kiêm nhiệm ở các chức danh còn thiếu. Huyện đề nghị Trung ương, tỉnh cần nghiên cứu bổ sung những chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ dôi dư đã tự nguyện xin nghỉ việc”.
Để giải bài toán cán bộ, tỉnh Hà Tĩnh đang rà soát và xây dựng cụ thể lộ trình thực hiện sắp xếp, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp. Đồng thời, tỉnh thực hiện tuyển dụng số cán bộ dôi dư này vào các cơ quan Đảng, đoàn thể các cấp, điều chuyển, bố trí vào số thiếu của các xã không thực hiện sắp xếp.
Ngoài ra, đối với các trưởng đoàn thể chính trị - xã hội và công chức còn dôi dư sau khi thực hiện các phương án sắp xếp sẽ tiếp tục được đánh giá, phân loại; thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/7/2015 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoặc cho nghỉ theo Nghị quyết số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập, ngày 20/8/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021. Trong đó có nhiều chính sách cụ thể, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng: Giải quyết công tác cán bộ cần thực hiện chu đáo, thận trọng. Tỉnh Hà Tĩnh có số lượng các đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp nhiều, việc giải quyết các vấn đề có liên quan cần một nguồn ngân sách lớn. Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để thực hiện nội dung này. Đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn quy trình lựa chọn, bố trí người đứng đầu của tổ chức bộ máy mới sau sắp xếp, xác định đối với trưởng các đoàn thể khi thôi giữ chức vụ được tính vào tổng số cán bộ, công chức hay trở thành người hoạt động không chuyên trách. Hướng dẫn việc sắp xếp đối với số người hoạt động không chuyên trách cấp xã chưa được bố trí theo Nghị quyết số 37-NQ/TW và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14”.
Bên cạnh nỗ lực giải quyết công tác cán bộ với tinh thần dân chủ, thận trọng, công bằng và minh bạch, mỗi địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đều có những cách làm hay để “gỡ khó” cho việc sử dụng cơ sở vật chất dư thừa sau sáp nhập.
Huyện Can Lộc là địa phương có 2 cụm xã phải sáp nhập, mỗi cụm được nhập lại từ 3 xã nên việc dư thừa cơ sở vật chất của các xã cũ là rất lớn. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong: Với phương án tối ưu hóa sử dụng, huyện đã vận dụng số trụ sở dư thừa này để phục vụ các mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại và dịch vụ. Đối với cụm xã Kim Lộc, Song Lộc và Trường Lộc, sau sáp nhập, trụ sở hành chính xã mới sẽ được đặt tại Song Lộc; trụ sở cũ của xã Trường Lộc sẽ được dùng làm trung tâm văn hóa du lịch Trường Lưu, còn trụ sở cũ của xã Kim Lộc, sau khi khảo sát sẽ được dùng làm nhà hiệu bộ và nhà đa chức năng cho trường tiểu học.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: Cơ sở vật chất các xã cũ sẽ tiếp tục được chuyển giao cho xã mới, trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng và công năng sử dụng. Các cơ sở vật chất dư thừa sẽ được làm thủ tục chuyển về thôn, xóm hoặc đấu giá xử lý đúng quy định, tránh lãng phí hoặc để xuống cấp, hư hỏng.