Sắp xếp đơn vị hành chính - từ chủ trương lớn đến vấn đề thực tiễn đặt ra

Từ nhận định bộ máy hệ thống chính trị còn cồng kềnh, đơn vị hành chính (ĐVHC) địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, Đảng ta đã có chủ trương đẩy mạnh việc sắp xếp các ĐVHC.

Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các văn bản pháp quy để triển khai thi hành. Sau hơn hai năm triển khai, việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã mang lại những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết triệt để, thấu đáo để việc sắp xếp ĐVHC đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân, mang tính ổn định và hiệu quả cao hơn...

Bài 1: Hiệu quả bước đầu và sự đồng thuận của dân

Số đầu mối ĐVHC giảm, ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản chi đáng kể, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội là những kết quả nổi bật trong hơn hai năm thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, có những ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp nhưng chưa thể tiến hành do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa đạt được sự đồng thuận của người dân.

Vì sao cần sắp xếp đơn vị hành chính?

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những kết quả của công tác này góp phần quan trọng vào thành tựu mà nước ta đã giành được trong suốt tiến trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng, Nhà nước ta vẫn nghiêm túc đánh giá: Các ĐVHC địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện và cấp xã... Do vậy, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét và thông qua nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Người dân làm thủ tục hành chính tại xã Thanh Đức (Vị Xuyên, Hà Giang) - xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng được đề nghị chưa tiến hành sắp xếp. Ảnh: CHIẾN THẮNG.

Người dân làm thủ tục hành chính tại xã Thanh Đức (Vị Xuyên, Hà Giang) - xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng được đề nghị chưa tiến hành sắp xếp. Ảnh: CHIẾN THẮNG.

Ngay sau đó, ngày 27-11-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2018 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; UBTVQH ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định, ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là những đơn vị chưa đạt 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC.

Giảm đầu mối, tiết kiệm chi

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ năm 2019 đến 2021, UBTVQH đã xem xét, quyết định sắp xếp được 21 ĐVHC cấp huyện; 1.056 ĐVHC cấp xã. Qua sắp xếp giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Trên cơ sở các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã tiến hành sắp xếp lại hệ thống tổ chức. Qua đó đã giảm được 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện và 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã. Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện đã giảm được 706 người; cấp xã giảm được 9.694 người và số cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm được 8.448 người.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2019-2021, nhờ công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã nên ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản chi lên tới 2.008,63 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng, bao gồm 787,84 tỷ đồng chi tiền lương và phụ cấp, 344,79 tỷ đồng chi hoạt động; giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Việc tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi ngân sách nhà nước góp phần tích cực cho tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Còn nhiều đơn vị hành chính chưa sắp xếp

Những hiệu quả tích cực trong công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong gần 3 năm qua đã cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn, cần thiết; là chủ trương mang tầm chiến lược, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cũng có nhiều vấn đề nảy sinh khiến không ít địa phương đề nghị chưa sắp xếp các ĐVHC.

Kết quả rà soát cho thấy, cả nước có 19 ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, nhưng chỉ có 9 đơn vị được sắp xếp (12 đơn vị đã sắp xếp khác không thuộc diện phải sắp xếp). Các ĐVHC được đề nghị chưa sắp xếp do có vị trí biệt lập với các ĐVHC khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc chưa nhận được sự đồng thuận của người dân trên địa bàn.

Có 626 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, trong đó có 541 đơn vị đã được sắp xếp (515 ĐVHC cấp xã đã sắp xếp còn lại thuộc diện khuyến khích sắp xếp). Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương chưa tiến hành sắp xếp là 85 đơn vị với những lý do tương tự như cấp huyện.

Ngoài những lý do mang tính khách quan, việc chưa đạt được sự đồng thuận của người dân cho thấy công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ở những địa phương này chưa hiệu quả. Vấn đề đặt ra là tại sao cùng thực hiện một chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có địa phương thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân, có địa phương lại chưa làm tốt việc này? Cùng với những vấn đề nảy sinh khiến việc sắp xếp ĐVHC chưa thể thực hiện được ở một số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, thực tế sắp xếp các ĐVHC cũng phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết thấu tình đạt lý để việc sắp xếp ĐVHC mang tính ổn định lâu dài, thực sự hiệu quả và thực sự có lợi cho người dân, doanh nghiệp. Những vấn đề này sẽ được chúng tôi lần lượt đề cập tới ở các bài sau.

(còn nữa)

GIA MINH - CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG - VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tu-chu-truong-lon-den-van-de-thuc-tien-dat-ra-695014