Sắp xếp lại giang sơn - sức mạnh đồng thuận vì tương lai Việt Nam hùng cường

Ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức chuyển mình sang một kỷ nguyên quản trị mới: bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đồng loạt vận hành tại 34 tỉnh, thành phố; đây là thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc, một mốc son lịch sử, được ví như cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' để kiến tạo tương lai.

Tầm nhìn mới cho phát triển

Chúng ta đang chứng kiến một quyết định cải cách hành chính có quy mô lớn nhất kể từ Đổi Mới năm 1986 với niềm tự hào sâu sắc. Không khí hân hoan lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc; từ trong nước đến ngoài nước, đồng bào ta đều chung một nhịp đập hướng về sự kiện lịch sử trọng đại này.

Sáp nhập tỉnh, thành phố và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp không đơn thuần là thu gọn bộ máy, mà là bước đi chiến lược mở ra những “không gian phát triển mới” cho đất nước và đặt nền tảng thể chế để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Trước đây, không gian phát triển bị cắt vụn theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập; đầu tư dàn trải, chưa hình thành rõ các vùng động lực dẫn dắt tăng trưởng. Cuộc “sắp xếp lại giang sơn” lần này chính là lời giải, một cuộc cách mạng về tổ chức để khai thông những điểm nghẽn phát triển, khơi dậy tiềm năng các vùng miền và tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải chúc mừng Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ phường Ngọc Hà, TP. Hà Nội Ảnh: Thanh Bình

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải chúc mừng Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ phường Ngọc Hà, TP. Hà Nội Ảnh: Thanh Bình

Với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta đang hình thành nên những cực tăng trưởng mở rộng có quy mô đủ lớn để phát huy lợi thế bổ trợ giữa các vùng; những cặp tỉnh hợp nhất như TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu; Bắc Ninh - Bắc Giang; Thái Bình - Hưng Yên… sẽ tạo ra vùng liên kết kinh tế mạnh, xóa bỏ rào cản hành chính và cạnh tranh manh mún trước đây. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định trong lễ công bố các nghị quyết, quyết định về việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, về nhân sự chủ chốt tại TP. Hồ Chí Minh: việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu không phải cộng gộp đơn thuần về diện tích hay dân số mà là “sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị - trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới”.

Ở phía Bắc, quyết định sáp nhập tỉnh Hải Dương vào TP. Hải Phòng đã hình thành một thực thể hành chính mới với vị thế và nguồn lực mạnh chưa từng có, tạo thành một cực tăng trưởng mới thúc đẩy và góp phần dẫn dắt sự phát triển của vùng, của đất nước, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định.

Nhìn rộng ra cả nước, việc hình thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới mang ý nghĩa tái cơ cấu toàn diện hệ thống chính quyền địa phương. Thay vì 63 tỉnh, thành phân mảnh, nay Việt Nam có những tỉnh, thành quy mô lớn hơn, đủ tầm vóc kết nối liên vùng, liên khu vực và cạnh tranh trên bản đồ kinh tế khu vực, quốc tế. Chủ trương sáp nhập tỉnh miền núi với đồng bằng, vùng không có biển với vùng duyên hải là để các địa phương bổ sung thế mạnh cho nhau và cùng phát triển hài hòa. Thực tế, các tỉnh sau sáp nhập có quy mô lớn hơn, nguồn lực tập trung hơn để thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cải thiện đời sống nhân dân. Bộ máy mới hợp nhất cũng giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực (đất đai, nguồn nước, ngân sách…).

Tinh gọn bộ máy, chính quyền gần dân và vì dân

Cùng với sắp xếp lại địa giới hành chính, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh/thành phố và xã/phường/đặc khu) đánh dấu bước cải cách sâu rộng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Sau hơn 8 thập niên vận hành mô hình ba cấp (từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 đến nay), giờ đây Việt Nam chuyển sang hệ thống hai cấp - một sự thay đổi mang tính bước ngoặt về tư duy quản trị. Việc kết thúc hoạt động cấp trung gian (huyện, quận) được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân, giảm các tầng nấc hành chính không cần thiết - vốn có thể là nguyên nhân làm chậm trễ việc phản hồi và thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển từ mô hình ba cấp sang hai cấp không chỉ để tinh giản bộ máy mà còn để tăng tốc độ phản ứng chính sách, nâng cao tính minh bạch và khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đôi khi xảy ra trong hệ thống cũ. Khi không còn độ trễ do trung gian, các quyết sách từ Trung ương và tỉnh sẽ đến thẳng cơ sở nhanh hơn; đồng thời, tâm tư, nguyện vọng và phản ánh của người dân cũng được chuyển tới cấp quyết định kịp thời hơn. Chính quyền gần dân hơn đồng nghĩa với hiệu quả quản trị cao hơn, bởi người dân được lắng nghe, được phục vụ nhanh chóng hơn, sát thực hơn.

Đi đôi với việc giảm cấp hành chính, Nhà nước đồng thời tập trung nguồn lực, gồm cả nhân lực và tài chính vào cấp cơ sở nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất; những cán bộ, công chức có trình độ, năng lực cao sẽ được bố trí tại cấp tỉnh và xã/phường. Thay cho con dấu và giấy tờ hành chính rườm rà, chính quyền hai cấp sẽ ứng dụng chuyển đổi số, chính quyền điện tử nhằm tăng tốc xử lý thủ tục, minh bạch hóa quy trình và nâng cao chất lượng phục vụ.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, vận hành thông suốt ngay từ đầu

Một chủ trương lớn như sắp xếp đơn vị hành chính và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, các địa phương đã thể hiện tinh thần chủ động, sẵn sàng; sớm xây dựng phương án tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, nâng cấp hạ tầng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân dân.

Cảng Hải Phòng. Ảnh: vinalines.net

Cảng Hải Phòng. Ảnh: vinalines.net

Chẳng hạn, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong thí điểm vận hành mô hình hai cấp từ giữa tháng 6/2025, như một “cuộc tổng diễn tập” trước giờ G; nhờ đó, mọi dịch vụ hành chính diễn ra suôn sẻ, người dân gần như không cảm nhận bất kỳ sự xáo trộn nào; nhiều người dân tại Hạ Long cho biết, hồ sơ của họ vẫn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả trong ngày đầu áp dụng mô hình mới.

Tương tự, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều có những bước chạy đà kỹ lưỡng: rà soát từng thủ tục, nâng cấp hạ tầng số, tập huấn cho cán bộ xã/phường. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khen ngợi sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng trong việc triển khai sáp nhập, đạt đồng thuận cao trong nhân dân dù phải xử lý nhiều khác biệt về văn hóa, địa lý…

Những ví dụ sinh động đó càng củng cố niềm tin rằng cuộc cải cách lần này đã được chuẩn bị công phu, bài bản và chắc chắn sẽ gặt hái thành công.

Khát vọng 2045 - Cùng nhìn về một hướng

“Sắp xếp lại giang sơn” khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới đầy hứa hẹn của dân tộc; tại lễ công bố ở TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là bước chuyển mình chiến lược đáp ứng đòi hỏi tất yếu của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng các vùng động lực phát triển, để xứng đáng với khát vọng “Việt Nam hùng cường vào năm 2045”.

Hành trình phía trước chắc chắn có không ít thách thức; việc sáp nhập tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện rồi đây đòi hỏi quá trình hoàn thiện pháp luật, điều chỉnh bộ máy, phân bổ lại nguồn lực, giải quyết tâm tư tình cảm địa phương… Nhưng khi ý Đảng hợp lòng dân, khi trên dưới một lòng, chúng ta tin không có trở ngại nào là không thể vượt qua; cả hệ thống chính trị đang nhìn về một hướng, chung một ý chí vươn tới mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Chúng ta tin tưởng rằng, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và khát vọng vươn lên mãnh liệt, Việt Nam nhất định sẽ “cất cánh” thành công.

Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” chính là bệ phóng lịch sử đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của quản trị hiện đại, sáng tạo, gần dân, vì dân; kỷ nguyên mà mọi thành quả phát triển đều vì hạnh phúc và ấm no của nhân dân. Như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta - những người con đất Việt, hãy vững tin, đoàn kết, chung sức đồng lòng, cùng tiến bước trên hành trình dựng xây và phát triển đất nước, viết tiếp những kỳ tích mới cho Tổ quốc thân yêu trên hành trình hướng tới tương lai rực rỡ phía trước.

TS. Trần Văn Khải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sap-xep-lai-giang-son-suc-manh-dong-thuan-vi-tuong-lai-viet-nam-hung-cuong-10378369.html