Đóng góp tích cực hơn nữa cho 'cuộc cách mạng' về sắp xếp tổ chức bộ máy
Từ ngày 1-7-2025, việc sáp nhập các tỉnh, thành; mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của cả nước đi vào vận hành. Trước thời điểm lịch sử này, đội ngũ cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC) đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao nhất, người dân bày tỏ sự đồng thuận và kỳ vọng với chủ trương đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Những luận điệu xuyên tạc về sắp xếp tổ chức bộ máy xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Chính những động thái tích cực này đã khẳng định tính đúng đắn của “cuộc cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy (SXTCBM); đồng thời đẩy lùi chiêu trò xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ngày đêm chống phá về vấn đề này.
Luận điệu xuyên tạc khi bước đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập các tỉnh, thành bước đầu đi vào vận hành, sẽ có những chính sách mới phục vụ cho tiến trình này được triển khai thuận lợi trong thực tiễn. Các thế lực thù địch lại nhắm vào các chính sách này để xuyên tạc hòng tạo ra những luồng dư luận xấu, độc trên mạng xã hội, gây tư tưởng hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin ở một bộ phận nhân dân.
Như mới đây, khi các địa phương công bố các chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ CBCCVC nghỉ việc do SXTCBM, các tài khoản mạng xã hội thiếu thiện chí tung thông tin xuyên tạc cho rằng: “CB còn hơn trúng số độc đắc”.
Một số bài viết xuyên tạc mục tiêu, ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ của các địa phương về chi phí về nơi ở, di chuyển khi phải đi làm xa dành cho những CBCCVC, người lao động (NLĐ). Như trước thông tin CBCCVC, NLĐ từ Hải Dương về thành phố Hải Phòng công tác, UBND tỉnh Hải Dương đề xuất hỗ trợ CBCC 5,1 triệu đồng/tháng, gồm phí di chuyển và sinh hoạt trong thời gian đầu, các tài khoản mạng xã hội rêu rao: “Nhà nước chi cả trăm tỷ đồng/năm để động viên CB đi làm lại được phê duyệt dễ như ăn kẹo”...
Trong một bài viết khác, chủ trương SXTCBM của hệ thống chính trị lại bị xuyên tạc “sáp nhập kiểu xã hội chủ nghĩa, nhân đôi chi phí”, “cải cách hay cơ hội cho tham nhũng?!”…
Chung quy lại, có thể thấy các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc chủ trương với công thức: đong đếm giá trị vật chất trước mắt, “đánh vào” những số tiền hỗ trợ, chi phí… ban đầu để thực hiện chủ trương, từ đó kích động và quy chụp rằng “tham nhũng, lãng phí”.
Góp phần tiết kiệm ngân sách đáng kể
Thực tế là các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chỉ “xoáy sâu” vào “cái trước mắt” - là những khoản chi phí, hỗ trợ… thực hiện chính sách - một cách phiến diện và chưa đầy đủ, không đặt trong bối cảnh tổng thể của đất nước. Những nhận thức tầm thường, ấu trĩ đó chỉ tập trung phủ nhận sạch trơn mục tiêu, những lợi ích lâu dài, bền vững mà chủ trương sáp nhập tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đem lại.
Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, cả nước giảm còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 34 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Với các nghị quyết này, từ tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã của cả nước giảm còn 3.321 đơn vị, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.
Ước tính của Bộ Nội vụ cho thấy, tổng số tiền chi ngân sách tiết kiệm giai đoạn 2026-2030 gồm 27.600 tỷ đồng do giảm CBCC cấp tỉnh; 128.700 tỷ đồng do giảm CBCC cấp xã; 34 ngàn tỷ đồng do giảm người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sau khi sáp nhập từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành, Bộ Nội vụ ước tính giảm 18.449 biên chế cấp tỉnh; giảm 110.786 biên chế cấp xã; giảm 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Điều này không chỉ là bước khởi đầu cho một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, mà còn góp phần tiết kiệm ngân sách đáng kể, hoàn toàn trái ngược với luận điệu “gây lãng phí” của các thế lực thù địch.
Theo đó, việc cắt giảm giảm khoảng 60-70% số lượng xã và sáp nhập còn 34 tỉnh/thành phố giúp giảm đáng kể chi phí vận hành. Đầu tiên là việc SXTCBM, tinh giản biên chế sẽ giảm gánh nặng quỹ lương, tiết kiệm đáng kể các chi phí như: trụ sở, điện nước, chi phí văn phòng, hội họp, công tác phí... Tiếp đến là sau sắp xếp đơn vị hành chính, ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm, thay vì dàn trải cho quá nhiều đơn vị nhỏ lẻ, giảm gánh nặng chi tiêu công và tối ưu hóa nguồn lực.
Lợi ích tiết kiệm ngân sách nhà nước sau khi thực hiện SXTCBM là điều thấy rõ và đó chỉ là một trong những mục tiêu mà chính sách hướng đến, bởi sâu xa hơn là những lợi ích bền vững, lâu dài cho phát triển đất nước. Như Tổng Bí thư TÔ LÂM từng nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần chỉ nhằm tiết kiệm ngân sách. Tiết kiệm là một yếu tố, nhưng quan trọng hơn cả là nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo động lực đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Cần thiết hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp
Khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức vận hành cũng là lúc đời sống của một bộ phận CBCCVC, NLĐ có những thay đổi rõ rệt.
Có những CBCCVC, thậm chí là CB lãnh đạo, sau hàng chục năm, có khi là nửa đời người để làm việc, cống hiến trong bộ máy chính trị đã chọn nghỉ hưu trước tuổi để thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, đồng thời cũng giúp địa phương, đơn vị thuận lợi hơn trong SXTCBM theo mô hình mới. Do đó, việc Nhà nước thực hiện đầy đủ chế độ, quyền lợi cho CBCC bị ảnh hưởng bởi quá trình SXTCBM theo đúng quy định là hoàn toàn hợp lý, nhân văn, không phải “trúng số độc đắc” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Các chính sách này không chỉ đáp ứng nguyện vọng cá nhân CBCCVC, NLĐ, mà còn tạo sự ổn định tư tưởng, đồng thuận xã hội để bộ máy sau sắp xếp đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Có những CBCCVC, NLĐ chấp nhận đi làm với quãng đường gần 100km ở trung tâm hành chính mới, rời xa nơi mình từng sinh sống, gắn bó quen thuộc để đến môi trường mới. Sẽ có nhiều khó khăn ban đầu với NLĐ khi phải sắp xếp công việc gia đình, nhất là với những người có con nhỏ, di chuyển quãng đường xa, đến một nơi mới với nhiều chi phí phát sinh. Do đó, việc mới đây, nhiều địa phương công bố các chính sách hỗ trợ, động viên CBCCVC, NLĐ phải đi làm tại trung tâm hành chính mới cách xa nơi ở hiện tại trong thời gian đầu là hoàn toàn phù hợp, cần thiết. Điều này giúp họ nhanh chóng ổn định điều kiện làm việc tại trụ sở mới sau khi sáp nhập, tạo động lực để đội ngũ này cống hiến, phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Đơn cử như khi 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sáp nhập, hàng ngàn CBCC từ tỉnh Bình Phước đến Đồng Nai làm việc.
Anh Phùng Văn Soạn (công tác tại Ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy Bình Phước (cũ), nay công tác tại Ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết: “Những CBCCVC từ Bình Phước sang, ban đầu phải làm quen với môi trường công tác mới, cũng như môi trường sống mới. Đa phần đều phải thuê nhà trọ nên cách đây vài tuần, chúng tôi đã sang Đồng Nai để tìm nhà thuê sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, gần nơi làm và cũng thuận lợi cho các con đi học… vì có nhiều CBCCVC đưa cả gia đình sang Đồng Nai. Còn với những CBCCVC sang Đồng Nai làm việc một mình thì họ phải sắp xếp việc gia đình đang còn một nửa bên Bình Phước (cũ)”.
“Đảng, Nhà nước, địa phương đều đã lường trước những khó khăn, quan tâm đến đời sống CBCCVC phải công tác xa nhà, từ đó có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và kịp thời. Trong bối cảnh thực hiện chủ trương lớn lao của đất nước, CBCCVC nói chung và cá nhân tôi nói riêng có hy sinh lợi ích cá nhân để hướng về lợi ích cao cả hơn của dân tộc, tôi hoàn toàn sẵn lòng, từ đó khắc phục khó khăn ban đầu, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bởi lẽ, được hòa mình, góp phần vào “cuộc cách mạng” đang diễn ra của đất nước, tôi thấy rất ý nghĩa và tự hào” - anh Soạn chia sẻ.
Một sức sống mới, tích cực, giàu năng lượng đang lan tỏa khắp hệ thống chính trị cả nước, mang theo nhiều tin yêu, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước, sáng rõ hơn các giá trị, ý nghĩa, mục đích đem lại cho sự phát triển bền vững của đất nước khi thực hiện công cuộc SXTCBM không những giúp mỗi người dân củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, mà còn đẩy lùi hiệu quả chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.