Sắp xếp lại, quản lý tài sản công: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa thể hoàn thành xử lý dứt điểm.

Phê duyệt, quản lý gần 30.000 cơ sở nhà, đất bộ, ngành

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31/5/2022, Bộ Tài chính đã lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công cập nhật thông tin đối với 6 loại tài sản gồm: đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản cố định khác; công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật tại cơ sở dữ liệu là 6.214.097,89 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại của tài sản công đã cập nhật tại cơ sở dữ liệu là 4.851.940,48 tỷ đồng.

Cho đến nay, số lượng tài sản là đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã cập nhật tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 149.069 tài sản, với tổng nguyên giá là 975.700,34 tỷ đồng. Số lượng nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp đã cập nhật là 325.412 tài sản, với tổng nguyên giá là 438.401,58 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại là 275.258,34 tỷ đồng.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 148 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Trong đó, số cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp nhà nước quản lý được phê duyệt phương án là 26 cơ sở.

Lũy kế đến 30/6/2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 29.712 cơ sở nhà, đất thuộc quản lý của các bộ, cơ quan trung ương, trong đó, số cơ sở nhà, đất do doanh nghiệp nhà nước quản lý được phê duyệt phương án là 18.355 cơ sở.

Nhiều tài sản công là đất đai bị bỏ hoang tại TP.HCM (ảnh Zing)

Nhiều tài sản công là đất đai bị bỏ hoang tại TP.HCM (ảnh Zing)

Tại một số địa phương, như Hà Nội, báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho biết: Thời gian qua UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc.

Việc sắp xếp nhà, đất đã thống kê được các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. Thành phố đã xử lý 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà. Trong đó, giai đoạn từ khi Nghị định số 167/2017/ NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, thành phố đã phê duyệt 427 cơ sở nhà, đất.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và sắp xếp lại, xử lý tài sản công (chủ yếu là nhà, đất) đã tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Song Bộ Tài chính cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp các cơ sở nhà, đất đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc quản lý, sử dụng tài sản công có đơn vị chưa chặt chẽ, cho mượn, cho thuê không đúng quy định. Các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công…

Tồn tại này vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, đơn cử như Đà Nẵng. Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào sáng 13/7/2022, đại biểu Trần Thắng Lợi cho hay, thành phố hiện có 1629/1644 cơ sở nhà, đất công chưa có phê duyệt phương án sắp xếp lại và xử lý. Cụ thể như khu đất tại Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố. Hiện nay đã chuyển về phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), còn cơ sở cũ nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) hiện không có phương hướng sắp xếp, xử lý dẫn đến lãng phí, làm mất mỹ quan.

Trong khi đó, tại Hà Nội, theo đánh giá của đoàn giám sát cho thấy: Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố vẫn còn một số hạn chế hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm. Thành phố chưa có cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả một số tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan nhà nước khi chưa sử dụng hết công suất...

Quyết liệt từ Trung ương đến địa phương

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ trụ sở là tài sản công tại các địa phương, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ đã ban hành công văn về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý tài sản công; trong đó đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công, ưu tiên sắp xếp nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa và các trường hợp sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Rà soát, kiểm tra quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý sai phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết giá khi thực hiện mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng… theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm. Song song với các biện pháp trên thì công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng cần được đẩy mạnh.

Thời gian tới, Bộ Tài chính và các địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp để quản lý tài sản công (ảnh minh họa)

Thời gian tới, Bộ Tài chính và các địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp để quản lý tài sản công (ảnh minh họa)

Tại một số địa phương như Hà Nội, trong kỳ họp thứ 7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI (diễn ra trong tháng 7/2022) HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Kiên quyết thu hồi tài sản công không sử dụng, sử dụng không đúng quy định. Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài. Đối với các điểm nhà đất chưa sử dụng cần có phương án xử lý kịp thời, tránh lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm. Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý, quản lý tài sản công, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại tài sản công để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xử lý dứt diểm trình trạng sử dụng tài sản công chưa đúng quy định. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thẩm định giá và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khi xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác giá bán khi thực hiện phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Có phương án chuyển mục đích sử dụng đất, bán, chuyển nhượng, thu hồi nhà, đất, chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa phải thực hiện nghiêm quy định về lập, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và pháp luật về đất đai.

Hoàng Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-xep-lai-quan-ly-tai-san-cong-vi-sao-chua-xu-ly-dut-diem-215882.html