Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Không để thủ tục hành chính kém thuận lợi hơn
Lo ngại về những thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính khi sắp xếp bộ máy, doanh nghiệp đề nghị nguyên tắc không được kém thuận lợi hơn.
Phương án xử lý phát sinh do sắp xếp bộ máy
Hướng xử lý hợp với các vấn đề có thể phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy đã được đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bàn đến.
Một là, nhóm chính sách quy định nội dung và nguyên tắc xử lý liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy; việc thực hiện thủ tục hành chính; việc xử lý một số vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng thanh tra; việc xử lý liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi sắp xếp tổ chức bộ máy; giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ban hành.
Trong các nội dung trên, đáng quan tâm là quy định về giá trị của các văn bản, giấy tờ do các cơ quan trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ban hành. Như là, quy định văn bản tiếp tục có hiệu lực cho đến khi bị thay thế, bãi bỏ hoặc bị xử lý bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật hay nguyên tắc không được yêu cầu tổ chức, cá nhân cấp đổi, giấy tờ đã được các cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy cấp...
Nhóm chính sách này cũng quy định việc trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, không bị gián đoạn sau sắp xếp.
Nhóm chính sách 2 là ban hành quy định về trách nhiệm, thời hạn rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan liên quan.
Việc này nhằm xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền ngoài các nội dung có thể thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý nội dung khác phát sinh sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy mà chưa được quy định tại Nghị quyết và một số nội dung cần chuyển tiếp liên quan đến áp dụng và thực hiện pháp luật sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Những lo ngại trước giờ G
Tuy nhiên, giới kinh doanh vẫn chưa hết băn khoăn mặc dù đã nhìn thấy nguyên tắc rất rõ của Dự thảo Nghị quyết là đảm bảo hoạt động thông suốt của bộ máy cũng như của người dân, doanh nghiệp.
Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp để góp ý, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc đến những vấn đề trên.
Trước hết là việc sắp xếp tổ chức bộ máy có thể sẽ dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy có thể sẽ dẫn đến thay đổi trình tự thực hiện thủ tục hành chính mà chưa sửa đổi ngay được các văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã có quy định về văn bản hướng dẫn tạm thời, song quy định này “chưa rõ hình thức của văn bản hướng dẫn tạm thời các thủ tục hành chính này là gì, văn bản quy phạm pháp luật hay là văn bản hành chính. Hiệu lực pháp lý của văn bản pháp luật đó là gì? Thời hạn của các văn bản tạm thời này như thế nào?”, VCCI lý giải sự lo ngại trong văn bản gửi Bộ Tư pháp.
Vì, rất có thể văn bản hướng dẫn tạm thời này có nội dung về trình tự, thủ tục hành chính khác với trình tự, thủ tục trước đó và việc này sẽ tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nếu không làm rõ, nhất là không có sự kiểm soát việc ban hành quy định này, các doanh nghiệp lo rằng sẽ xuất hiện những thủ tục hành chính thuận lợi hơn.
VCCI cũng phát hiện Dự thảo chưa có nội dung xử lý cho trường hợp thủ tục hành chính đang được giải quyết trong giai đoạn chuyển giao, sắp xếp.
Trong trường hợp này, sẽ xảy ra tình huống cơ quan trước khi sắp xếp nhận kết quả, cơ quan sau khi sắp xếp trả kết quả. Khả năng quy trình thủ tục bị đình trệ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp rất rõ nếu không đưa ra nguyên tắc xử lý.
“Đối với thủ tục hành chính đang được xử lý trong giai đoạn chuyển giao giữa các cơ quan thực hiện sắp xếp, tổ chức cá nhân, tổ chức không cần phải nộp lại hoặc điều chỉnh hồ sơ đã nộp trước đó; thời gian giải quyết thủ tục không thay đổi để đảm bảo tính liên tục và thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục”, VCCI kiến nghị. Cùng với đó, cơ quan đại diện cho doanh nghiệp cũng chờ đợi cơ chế giám sát để đảm bảo không có trở ngại khi tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục, bên cạnh các nguyên tắc chung.
Cũng phải thẳng thắn, những lo ngại trên là có cơ sở, bởi theo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiện có khoảng 5.026 văn bản chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong số này có 160 luật, bộ luật, 8 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 833 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 287 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 3 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.722 văn bản cấp bộ.
Số văn bản chịu ảnh hưởng ở địa phương cũng không nhỏ. Con số cụ thể theo rà soát của 37 địa phương là 1.291 và đang được tiếp tục cập nhật.
Trong khi đó, Dự thảo Nghị quyết hiện yêu cầu các văn bản tạm thời hay chính sửa của các cơ quan quản lý nhà nước cần được hoàn thiện sớm, có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Nghị quyết này. Mục tiêu là để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan đó, song bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh để xuất hiện khoảng trống pháp lý.
Như vậy, thời gian cho việc thực hiện các công việc không còn nhiều bởi Dự thảo đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ, chuẩn bị cho các văn bản Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường vào tháng 2 tới.