Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Bình Thuận
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' là chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Tại Bình Thuận, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, đến nay sau 7 năm, đã đạt được những kết quả quan trọng. Thời điểm này, tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho công tác Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, với tinh thần khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”.
Những kết quả tích cực
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa và xác định rõ các nguyên tắc, yêu cầu, giải pháp, nhiệm vụ và lộ trình trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, ĐVSNCL của cả tỉnh bám sát mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 56 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 10 ngày 3/2/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18. Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt, tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.
Tỉnh cũng đã hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm, khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Một số nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính được triển khai và hoàn thành sớm hạn theo đúng định hướng của Trung ương và có sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, như việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó các phòng thuộc sở, cơ quan ngang sở và giải thể các chi cục có số biên chế thấp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về sở để thành lập phòng chuyên môn thuộc sở. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, nghiêm túc xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế theo mục tiêu và lộ trình đề ra, xác định rõ các đối tượng theo quy định. Công tác tinh giản biên chế đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách và kinh phí quy định. Kết quả là từ năm 2019, Bình Thuận đã khắc phục triệt để tình trạng giao vượt biên chế hành chính so với biên chế Trung ương giao cho tỉnh. Bên cạnh việc tinh giản biên chế, tỉnh Bình Thuận đã ban hành và ngày càng hoàn thiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, thu hút người có tài năng, các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức.
UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh: Việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đây lại công việc này rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và mỗi cá nhân cần có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện nội dung công việc này. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh thần khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”. “Nguyên tắc là phải chấp hành nghiêm túc các yêu cầu, văn bản chỉ đạo của cấp trên. Yêu cầu sau sắp xếp phải đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Quá trình thực hiện thận trọng, khoa học, chặt chẽ và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, không để ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và trì trệ ảnh hưởng đến công việc chung hiện nay, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…”
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với sự đồng thuận, thống nhất và nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tỉnh, sau 7 năm thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo được một số chuyển biến tích cực. Kết quả sau sắp xếp, số phòng chuyên môn thuộc sở, cơ quan ngang sở giảm 52 đầu mối, giảm 32 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, giảm 5 chi cục. Bình Thuận đã thực hiện sắp xếp giảm 105 đơn vị sự nghiệp công lập và 3.661 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, địa phương đã thực hiện sắp xếp 2 giai đoạn, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã.
Phương án hợp nhất các sở, ngành ở Bình Thuận
Bám sát định hướng về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch số 141 ngày 6/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xác định rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc UBND tỉnh, các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao biên chế cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Theo đó, đối với các sở: Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Thuận: Rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong gắn với tinh giản biên chế công chức; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng. Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ. Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo: Tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ và chức năng quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Giáo dục và Đào tạo; Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Y tế. Sau sắp xếp còn lại 13 sở, giảm 5 sở.
Đối với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các ĐVSNCL thuộc UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất phương án: Duy trì Trường Cao đẳng Bình Thuận. Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Đề xuất hợp nhất Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận và một phần của Trung tâm Thông tin thuộc Văn phòng UBND tỉnh thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đề xuất các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; Phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; Phương án sắp xếp các ban chỉ đạo của UBND tỉnh.