Sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Chiều nay (15/1), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 9 đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp.

Đại Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đại Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về CCHC đã đạt được kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong năm có 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định tại 36 văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố lũy kế đến nay đã giảm 13 sở và tương đương, giảm 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế, đã giảm 16.149 người.

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đến nay đã thành lập mới thành phố Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã; đồng thời thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị. Việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, từng bước có kết quả cụ thể, điển hình như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh…

Năm 2025, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ. Triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước đảm bảo khẩn trương, không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, đảm bảo tinh thần “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”.

Tại phiên họp đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu lên những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC năm 2024. Đồng thời tập trung thảo luận về: Số hóa toàn diện tổ chức, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc; thực hiện phi địa giới hành chính, người dân dù ở đâu cũng thực hiện được các thủ tục hành chính; công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Một số địa phương kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, số hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài chính; thống nhất các phần mềm dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực, đảm bảo tiện ích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương…

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kết luận phiên họp.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC năm 2025. Bám sát chủ trương của Chính phủ về công tác cải cách tư pháp, cần xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ đến từng người, từng nội dung cụ thể. Tập trung, quyết liệt trong tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương; xây dựng, chăm lo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiệu lực, hiệu quả; triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ CCHC tại địa phương, đơn vị.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/chinh-tri/sap-xep-to-chuc-bo-may-dam-bao-tinh-gon-hoat-dong-hieu-qua