Sắp xếp, tổ chức cơ sở y tế sau sáp nhập thế nào?

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký công văn số 2147/BYT-TCCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn định hướng sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thành lập Sở Y tế mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp

Công văn nêu rõ: Thành lập Sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp, trên cơ sở sáp nhập Sở Y tế hiện có của các tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp.

Sở Y tế mới là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố sau sắp xếp. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thay thế Thông tư 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế và Thông tư 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ảnh minh họa: Tấn Thành.

Ảnh minh họa: Tấn Thành.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế hiện có trước khi sắp xếp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp tham mưu, trình UBND các tỉnh, thành phố quyết định duy trì, giải thể hoặc tổ chức lại (sáp nhập, chia, tách hoặc điều chỉnh tên gọi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ) các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, theo nguyên tắc:

Bảo đảm duy trì, không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế tại địa phương.

Cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (đa khoa, chuyên khoa, khu vực) và các cơ sở bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội hiện có, là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp để duy trì việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản, hoặc chuyên sâu và các dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân và các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương.

Đối với các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm, thực phẩm...); Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, xây dựng Đề án, trình UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp có cùng tên, cùng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thành lập đơn vị sự nghiệp công lập mới trực thuộc Sở Y tế của các tỉnh, thành phố sau sắp xếp.

Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có (đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm giám định y khoa, trung tâm pháp y, cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm y tế cấp quận, huyện...) và thực hiện việc sáp nhập, giải thể các đơn vị không hiệu quả, không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng chéo.

Tổ chức Trung tâm Y tế khu vực với địa phương không sáp nhập

Đối với các tỉnh, thành phố không thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố hiện có. Tổ chức lại các Trung tâm Y tế cấp huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có thành Trung tâm Y tế khu vực, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Đối với Phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ giải thể, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước của Phòng Y tế trước đây về Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm hành chính công thuộc UBND cấp cơ sở (cấp xã, phường) sau sắp xếp để tiếp tục triển khai thực hiện.

Đối với các Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có: Cơ bản duy trì các bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố hiện có và chuyển thành bệnh viện đa khoa khu vực, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp, để tổ chức cung cấp dịch vụ khám, bệnh chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực liên xã, phường không phụ thuộc vào địa giới hành chính...

G.Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sap-xep-to-chuc-co-so-y-te-sau-sap-nhap-the-nao-10303766.html