Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở Giáo dục: Đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Sáng 23/4 tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương giai đoạn 2017-2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Phía UBND tỉnh Quảng Ninh có ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng hàng trăm đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo và cán bộ phụ trách chuyên môn Sở GD&ĐT của 63 tỉnh thành tham dự Hội nghị.
Diện mạo mới
Ông Nguyễn Tường Văn- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, trong những năm qua, Quảng Ninh luôn được biết đến là tỉnh có nhiều sáng tạo, đổi mới, mô hình đặc biệt là công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Riêng trong lĩnh vực GD&ĐT, UBND tỉnh đã ban hành 27 văn bản để triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế trong lĩnh vực này. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 15 Quyết định phê duyệt Đề án của Sở GD&DT và 14 huyện, thị xã, thành phố theo Chương trình hành động số 21-CT/TU của Tỉnh ủy.
Công tác sắp xếp tổ chức, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện giảm 19 trường, 140 điểm trường và giảm 186 lớp học. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chất lượng dạy và học ở các cấp học, bậc học; đặc biệt là giáo dục mũi nhọn không ngừng nâng cao.
Để công tác sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 08. Các địa phương rà soát quy hoạch, khảo sát, đánh giá thực trạng về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất trường, lớp để thực hiện dồn dịch điểm trường, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, các trung tâm giáo dục thường xuyên gắn với đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại các địa phương dựa trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Những chuyển biến tích cực sau khi sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục được thể hiện như: Đã giảm 2.302 trường, 2.708 điểm trường; quy mô trường, lớp tăng ở các bậc học; hệ thống trung tâm Giáo dục thường xuyên đã giảm số lượng từ 3 trung tâm/ huyện xuống còn một trung tâm;
Mạng lưới trường lớp vùng dân tộc thiểu số được củng cố, phát triển. Về cơ bản không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Mạng lưới cơ sở Giáo dục thường xuyên công lập được củng cố và phát triển đáp ứng như cầu học tập mọi lứa tuổi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa.
Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục. Hàng nghìn điểm trường đã được dồn ghép, sáp nhập vào các điểm trường chính; nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Nhờ đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Rà soát, tháo gỡ khó khăn
Hội nghị có sự đóng góp, tham luận của nhiều Sở GD&ĐT, bên cạnh những hiệu quả đạt được, những mô hình hay, cách làm tốt về sắp xếp các cơ sở giáo dục; còn nhiều vướng mắc, khó khăn được các Sở GD&ĐT chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết tháo gỡ.
Cụ thể một số khó khăn được nêu: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 08 tại một số địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt; dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh/lớp gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học và quản lý học sinh; việc sắp xếp, sáp nhập tại trường miền núi còn khó khăn do điều kiện tự nhiên; cơ sở vật chất nhiều trường còn thiếu thốn, phát sinh nhu cầu đầu tư, xây dựng;… Từ những khó khăn nêu trên, các đại biểu đã đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, công tác tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục là vấn đề hệ trọng của ngành giáo dục. Chúng ta cần rà soát một lần nữa kỹ hơn việc sắp xếp, dồn, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục trong thời gian 3 năm qua xem công tác này đã đem lại kết quả gì, thực trạng ra sao, đâu là các vấn đề cần khắc phục, đâu là các thành quả cần phát huy. Đặc biệt, kết quả rà soát đánh giá sẽ là cơ sở cho các kiến nghị về chính sách cho ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những đóng góp, phát biểu ý kiến của các Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng yêu cầu, mục tiêu việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên phải đảm bảo 3 điều kiện: phù hợp nhu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Để việc sắp xếp các cơ sở giáo dục hiệu quả, từng cấp học rà soát, sắp xếp, tham mưu địa phương ban hành chính sách phù hợp thực tiễn; phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề giáo dục; tăng cường kiểm tra, tư vấn địa phương tháo gỡ kịp thời vướng mắc.