SARS-CoV-2 có thể hoạt động lâu hơn thời gian cách ly được khuyến nghị

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Montevideo, Uruguay. Ảnh: AFP/TTXVN

* Omicron có khả năng là biến thể lây lan mạnh nhất từng tồn tại

Qua quan sát một nhóm bệnh nhân COVID-19, các nhà nghiên cứu Brazil phát hiện rằng mất trung bình 1 tháng để kết quả xét nghiệm của người bệnh có thể trở về âm tính.

Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí y học Frontiers in Medicine trong bối cảnh nhiều nước giảm thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID-19 xuống còn 7, 10 hay 14 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính.

Nghiên cứu trên cũng tái khẳng định vai trò của tiêm phòng, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trong phòng dịch.

Trong số 38 bệnh nhân được quan sát, có 3 bệnh nhân vẫn phát hiện được virus sau hơn 70 ngày. Đáng chú ý là ở một ca nam 38 tuổi, có các triệu chứng nhẹ trong 20 ngày, virus tiếp tục được phát hiện trong người và tiếp tục sinh sôi trong 232 ngày.

Nếu người này không tiếp tục được chăm sóc y tế, duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, người này có thể đã lây lan virus trong suốt 7 tháng.

Các bác sỹ theo dõi 38 bệnh nhân trên cơ sở hằng tuần, trong thời gian từ tháng 4-11/2020, phối hợp với Nền tảng khoa học USP - Pasteur, một đối tác giữa Viện Pasteur của Pháp và Đại học Sao Paulo (USP) và Quỹ Oswaldo Cruz Foundation (Fiocruz) tại Brazil. Các bệnh nhân được theo dõi cho đến khi có xét nghiệm PCR âm tính 2 hoặc 3 lần liên tiếp.

Tác giả của nghiên cứu, ông Marielton dos Passos Cunha cho biết: "Trong số 38 ca được theo dõi, 2 người đàn ông và hai phụ nữ là những ca nhiễm không điển hình, vì virus được phát hiện liên tục trên cơ thể họ trong hơn 70 ngày. Dựa trên kết quả này, chúng tôi có thể nói rằng khoảng 8% người nhiễm có thể truyền virus cho người xung quanh trong hơn 2 tháng, dù không có triệu chứng trong giai đoạn cuối".

Một trong các điều phối viên tại Nền tảng khoa học USP - Pasteur, Paola Minoprio cho biết: "Chúng tôi đã muốn biết liệu giai đoạn 14 ngày có thực sự đủ để virus không còn bị phát hiện. Chúng tôi đã kết luận rằng không phải như vậy. Có thể cần 1 tháng để một bệnh nhân chuyển về âm tính và trong một số trường hợp trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân vẫn dương tính trong 71-232 ngày".

Đây không phải bằng chứng đầu tiên cho thấy virus có thể vẫn hoạt động lâu hơn chúng ta nghĩ, dù bệnh nhân chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Đầu năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Viện Y học nhiệt đới của Đại học Sao Paulo (IMT-USP) ở Brazil đã phân tích 29 mẫu dịch mũi hầu của bệnh nhân đã có xét nghiệm dương tính vào ngày thứ 10 kể từ khi có triệu chứng.

Kết quả cho thấy trong 25% trường hợp, virus trong các mẫu phẩm vẫn có thể lây nhiễm vào các tế bào và sinh sôi trong ống nghiệm. Như vậy, về lý thuyết, người khác có thể nhiễm nếu tiếp xúc với giọt bắn nước bọt của các bệnh nhân này.

Nguy cơ nói trên dường như lớn hơn ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Trong một tài liệu công bố tháng 6/2021, các nhà nghiên cứu của trường Y thuộc Đại học Sao Paulo (FM-USP) đã mô tả một ca nhiễm kéo dài ít nhất 218 ngày.

Bệnh nhân khoảng 40 tuổi và đang điều trị bệnh ung thư trước khi mắc COVID-19. Đầu tháng 12/2020, một bài báo đăng trên nhật báo Y tế New England ghi nhận một ca là nam giới 45 tuổi, có hệ miễn dịch kém, đang mắc bệnh rối loạn máu tự miễn dịch, có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong 143 ngày.

Trong một bài báo đăng trên Cell cuối tháng 12/2021, một nghiên cứu về ca mắc bệnh bạch cầu ở nữ cũng ghi nhận virus SARS-CoV-2 tiếp tục sinh sôi ít nhất 70 ngày, dù bà không có triệu chứng nào của COVID-19.

Trong nghiên cứu mới nhất nói trên, sự khác biệt thời gian virus hoạt động giữa nam và nữ là không lớn (trung bình là 22 ngày ở nữ và 33 ngày ở nam giới). Đối với 3 ca không điển hình, virus vẫn được phát hiện sau 71 ngày ở nữ và 81 ngày ở một trong hai người đàn ông. Tất cả đều ghi nhận triệu chứng nhẹ.

Trường hợp ca có xét nghiệm dương tính trong 232 ngày, sau đó có 3 lần xét nghiệm âm tính, vốn là một bệnh nhân HIV/AIDS từ năm 2018 nhưng tải lượng virus không đủ cao để máy phát hiện, vì ông đang điều trị bằng thuốc kháng virus.

Ông Minoprio cho biết: "Việc bệnh nhân nói trên dương tính với virus HIV không có nghĩa là không có nguy cơ nhiễm các bệnh khác. Khả năng bệnh nhân phản ứng với một sự lây nhiễm khác tương tự như mọi người và thực tế là ông đã phản ứng với SARS-CoV-2 khi nhiễm. Bệnh nhân này không thuộc loại suy giảm miễn dịch như các bệnh nhân ung thư hoặc người ghép tạng".

Nền tảng khoa học USP- Pasteur đang tiếp tục nghiên cứu các trường hợp này và nhiều trường hợp khác để có đánh giá trên quy mô rộng hơn.

* Theo trang tin Salon.com, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong cuộc sống, biến thể siêu lây nhiễm Omicron đang tiếp tục phá vỡ các kỷ lục về khoa học. Nhiều nhà khoa học gần đây nhận định rằng biến thể Omicron có khả năng là virus lây lan mạnh nhất từng tồn tại.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc của Omicron. Biến thể này hiện đã phát triển và sản sinh ra nhiều biến thể phụ. Các nhà khoa học gần đây cho rằng biến thể Omicron có khả năng là loại virus có mức độ lây lan mạnh nhất, hoặc mạnh thứ 2, mà nhân loại phải đối mặt, tùy thuộc vào thước đo sử dụng.

Nếu xét về tốc độ lây lan trên phạm vi toàn cầu, thì biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 giữ ngôi vị "quán quân". Tuy nhiên, nếu được xét ở góc độ thời gian virus lây nhiễm giữa các bệnh nhân, thì virus gây bệnh sởi đã từng được chứng minh là loại virus có khả năng lây lan mạnh nhất.

Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đang tiến gần tới danh hiệu virus có mức độ lây nhiễm mạnh nhất từng được ghi nhận, vốn đang thuộc về virus gây bệnh sởi.

Cụ thể, virus sởi có hệ số lây nhiễm (R0) dao động trong khoảng từ 3,7 đến 203,3, đồng nghĩa rằng một người bị nhiễm có khả năng lây bệnh cho từ 3,7 đến 203,3 người. Vào thế kỷ XVI, khoảng 66% dân số bản địa của Cuba đã tử vong vì căn bệnh này.

Cùng chung quan điểm với tiến sĩ Schaffner, tiến sĩ William Hanage, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Havard cho rằng Omicron chắc chắn là virus có tốc độ lây nhanh nhất trong số những loại virus mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu chi tiết tới mức này.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bệnh viện Christ (Mỹ), Deborah Hayes cho biết điểm nổi bật về biến thể Omicron là tốc độ lây lan nhanh gấp đôi so với với những biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Chuyên gia này khẳng định biến thể Omicron có khả năng lây nhanh tương đương như virus gây bệnh sởi.

Mặt khác, một số chuyên gia lại cho rằng biến thể Omicron thậm chí còn lây lan nhanh và dễ dàng hơn so với virus gây bệnh sởi. Tiến sĩ Roby Bhattacharyya, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nhận định rằng so với virus gây bệnh sởi, biến thể Omicron sở hữu lợi thế về cách thức lây lan.

Chuyên gia này đã đưa ra dẫn chứng thông qua việc so sánh thời gian để một người nhiễm bệnh và người bị lây từ người này cũng nhiễm bệnh, thì trung bình mất 12 ngày đối với bệnh sởi nhưng chỉ mất 4-5 ngày đối với người nhiễm biến thể Omicron.

Theo tiến sĩ Bhattacharyya, một ca mắc bệnh sởi có thể lây bệnh cho 15 người khác trong vòng 12 ngày, còn một ca nhiễm biến thể Omicron sẽ lây cho 6 người khác trong 4 ngày, 36 người trong 8 ngày và 216 người trong 12 ngày.

Điều này cho thấy biến thể Omicron còn lây lan nhanh hơn cả virus gây bệnh sởi và những biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2.

Ước tính R0 của Omicron vào khoảng 10, chỉ xếp sau bệnh sởi, quai bị, ho gà và thủy đậu có khả năng lây nhiễm cao, trong khi R0 của virus gốc SARS-CoV-2 là 2 và của biến thể Delta là 5.

Các nhà khoa học cảnh báo kể cả khi Omicron không còn tồn tại, sẽ vẫn còn nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các biến thể mới tương tự như Omicron trong tương lai.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270356/sars-cov-2-co-the-hoat-dong-lau-hon-thoi-gian-cach-ly-duoc-khuyen-nghi.html