Sát cánh cùng đồng bào La Hủ bảo vệ biên cương
PTĐT - Đồn Biên phòng Pa Ủ, phụ trách địa bàn xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi người La Hủ định cư. Trên bản đồ, đường biên giới nơi này như những sợi chỉ viền sát các đỉnh núi cao, ở đó có đỉnh Phu Si Lung cao hơn 3.000m so mực nước biển.
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng có mặt nơi biên cương xa xôi, bám đất, bám dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc
nơi này...
Bám dân, bám bản
Mường Tè là huyện xa xôi và hẻo lánh nhất của tỉnh Lai Châu, nhưng Pa Ủ lại là xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè. Cách huyện lỵ khoảng 60km, con đường độc đạo men theo sông Đà dẫn lối vào xã Pa Ủ lúc vắt vẻo trên sườn núi cheo leo, khi lại liên tục cua tay áo xuống dốc sâu hun hút khiến chúng tôi mất gần nửa ngày “lăn lộn” mới tới được. Người La Hủ về đây lập bản mấy mươi năm nay. Ngày đầu lưa thưa vài nóc nhà dựng quanh Đồn Biên phòng, phần lớn là nhà của các cán bộ xã, chứ người dân vẫn còn ở xa, heo hút mãi trên những dãy núi cao.Nay Pa Ủ khác xưa rồi! Để thấy những mái nhà tôn mới đỏ au, san sát dọc theo các tuyến đường liên xã, liên bản như ngày hôm nay là cả một kỳ tích… Đó là những chi tiết mở đầu câu chuyện giữa chúng tôi và Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng 309 xã Pa Ủ.Bên ấm trà nóng hổi, đặc quánh vị chè rừng Pa Ủ, Thiếu tá Trần Hà Nam cho biết: Do phong tục tập quán của đồng bào còn lạc hậu, sống du canh, du cư ở những khu vực núi non hiểm trở, đời sống vật chất chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chưa có giao lưu hàng hóa... khiến đồng bào La Hủ khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những năm trước đây, hệ thống chính trị cơ sở của Pa Ủ cũng nhiều hạn chế, tổ chức Đảng và đảng viên ở 12 bản của xã vừa mỏng vừa yếu. Toàn xã chỉ có 5/12 bản có chi bộ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, 7/12 bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ mới. Công tác phát triển đảng viên là người La Hủ khó khăn, đội ngũ cán bộ cơ sở ở địa phương năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng thiếu và không đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Một số hoạt động văn hóa truyền thống đang dần bị mai một...Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tăng cường một sỹ quan giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy; lựa chọn giới thiệu 12 đảng viên là cán bộ, chiến sĩ của Đồn tham gia sinh hoạt đảng tại các chi bộ bản gắn với phụ trách các hộ và các tổ tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh trật tự. Điều đó làm cho hoạt động của địa phương đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và hoạt động của các tổ chức dần được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. 5 năm qua, đơn vị đã giúp xã phát triển 35 đảng viên mới, xóa 7 bản trắng đảng viên, 12/12 bản của xã đã có chi bộ. Đơn vị còn tham mưu lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo gần 76 lượt cán bộ xã và bản, trong đó mỗi chi bộ bản đều có cán bộ Biên phòng và cán bộ địa phương tham gia sinh hoạt.
Giúp dân xóa đói, giảm nghèoNgoài nhiệm vụ chính bảo vệ đường biên giới thì Đồn còn luôn coi trọng việc xây dựng các mô hình giúp dân bằng nhiều việc làm thiết thực gắn với tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Năm 2016, Đồn cùng các cấp, các ngành huyện, xã triển khai mô hình nuôi bò tập trung ở hai bản Tân Biên và Mu Chi. Nhận thấy bà con La Hủ vốn chưa quen với cách thức chăn nuôi khoa học, nên nhiều dự án đưa về hiệu quả không cao, con giống kém phát triển, tỷ lệ chết nhiều. Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước sẽ không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà các chiến sĩ cùng bà con chăn thả, chăm sóc tập trung, như vậy vừa bảo đảm tỷ lệ con giống sinh trưởng phát triển tốt vừa giúp bà con tiếp thu, tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con, các anh giao cho 40 hộ, sau gần ba năm với sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng trong cung cách chăn thả, chăm sóc, đến nay đàn bò phát triển lên 52 con.
Cùng với mô hình nuôi bò tập trung là mô hình thâm canh lúa nước. Năm 2018, Đồn kết hợp với các hộ gieo cấy thử nghiệm giống lúa thơm với diện tích hơn 1ha, bước đầu cho thu hoạch với năng suất 2 tấn/ha. Năm 2019, các anh cùng bà con tiếp tục thử nghiệm và mở rộng diện tích lên 2,5ha. Về bản Hà Xi khi được hỏi về mô hình mới này như thế nào, đồng chí Hoàng Hừ Xa, Bí thư Chi bộ bản Hà Xi khẳng định: “Sang năm mô hình này áp dụng đại trà thì cái ăn của bà con La Hủ không phải lo nghĩ. Với năng suất và chất lượng gạo lúa lai, chắc chắn người La Hủ không chỉ đủ ăn mà sẽ có hàng hóa trao đổi với thị trường”...Nhiều năm qua, các anh luôn sát cánh với thầy, cô nhà trường vận động, tuyên truyền bà con cho con em đi học. Với Chương trình “Nâng bước chân em đến trường”, Đồn đã đỡ đầu hai em học sinh Ly Ngọc Xuân, Vàng Nhù Bơ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Gia đình nghèo, bố mẹ thường xuyên đi làm xa nhà, giờ đây hằng tháng Ly Ngọc Xuân, Vàng Nhù Bơ được trợ giúp 500 nghìn đồng/tháng, chương trình này kéo dài khi các em học hết lớp 12…Bằng những việc làm hiệu quả và thiết thực, những người lính quân hàm xanh trên tuyến biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè đã gây dựng được niềm tin của nhân dân, thắt chặt tình nghĩa quân dân; góp phần xây dựng tình quân dân nơi biên giới bền chặt, để bà con ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết tâm lao động sản xuất, chung sức cùng Bộ đội Biên phòng tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.