Sát cánh cùng đồng bào La Hủ bảo vệ rừng biên giới
Xã biên giới Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có diện tích rừng tự nhiên lớn và mang lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân địa phương. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Đồn Biên phòng Pa Ủ, BĐBP Lai Châu đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và đồng bào dân tộc La Hủ trên địa bàn triển khai các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng ở vùng đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.
Trong những ngày hè nắng nóng, con đường từ trung tâm huyện Mường Tè vào địa bàn xã Pa Ủ được phủ một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng nguyên sinh mát dịu. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, toàn xã Pa Ủ có hơn 21.000ha rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 66%. Mỗi năm, xã biên giới Pa Ủ được nhận trên 12 tỷ đồng do dịch vụ môi trường rừng chi trả, chính vì thế mà cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Trong thời gian tiếp theo, xã Pa Ủ cũng được huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu xác định là vùng tập trung phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc. Trên cơ sở đó, xã Pa Ủ chủ động triển khai chủ trương bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Trong đó, đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn giao khoán rừng đến từng hộ gia đình chăm sóc và bảo vệ, đồng thời, triển khai các dự án phát triển kinh tế rừng như: trồng cây sa nhân tím, tam thất và chăm sóc diện tích thảo quả hiện có...
Trong những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Đồn Biên phòng Pa Ủ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Pa Ủ là xã vùng cao biên giới, 100% người dân tộc La Hủ định cư, sinh sống, trước đây thường có lối sống du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy. Được BĐBP, chính quyền địa phương vận động, giúp đỡ, người dân đã từng bước định cư nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đồn Biên phòng Pa Ủ đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của rừng. Nội dung bảo vệ tài nguyên rừng được chỉ huy đơn vị lồng ghép vào quá trình triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị. Bên cạnh đó, các tổ công tác địa bàn phối hợp với chính quyền, kiểm lâm tổ chức để nhân dân ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại các bản đều thành lập các đội cơ động xung kích, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng phối hợp chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Xã Pa Ủ cũng thành lập 1 đội dân quân cơ động với hơn 30 người sẵn sàng phối hợp với BĐBP chủ động ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Bản Tân Biên là một trong những bản thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Trung bình mỗi hộ gia đình trong bản được nhận 15 triệu đồng/năm do nguồn dịch vụ môi trường rừng chi trả. Bản cũng đã thành lập đội xung kích, với sự tham gia của đại diện 32 hộ gia đình trong bản, thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao vào mùa khô. Ông Lỳ Xa Xù, ở bản Tân Biên cho biết: “Đồng bào La Hủ ta trước kia thường sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, săn bắn thú rừng làm thực phẩm. Nhưng giờ đây, được cán bộ BĐBP và các lực lượng chức năng tuyên truyền về lợi ích của rừng, tác hại của việc chặt phá rừng, nên ý thức của nhân dân đã thay đổi nhiều rồi. Người dân có nguồn thu nhập ổn định từ việc bảo vệ rừng của Nhà nước chi trả, nên quyết tâm giữ rừng để môi trường sống được trong lành”.
Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách chăm sóc, bảo vệ rừng, đến việc giao khoán diện tích rừng đến từng hộ dân chăm sóc, bảo vệ đã được nhân dân xã Pa Ủ đồng tình, ủng hộ. Đồn Biên phòng Pa Ủ cũng thường xuyên tổ chức nhiệm vụ tuần tra biên giới kết hợp với bảo vệ rừng, thu hút các lực lượng và nhân dân địa phương tham gia. Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, Đồn Biên phòng Pa Ủ đang là điểm tựa để nhân dân chung tay bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững.
Nói về quá trình triển khai nhiệm vụ, Thiếu tá Đỗ Văn Đàm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: “Chúng tôi xác định, muốn giữ rừng, bảo vệ rừng thì phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trên địa bàn. Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, ngoài tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thì vấn đề bảo vệ rừng cũng được xác định là điểm nhấn để truyền tải đến nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động được đơn vị thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả cao. Chính vì thế, ý thức về bảo vệ, phát triển rừng của người dân hiện nay đã được nâng lên đáng kể”.