Sát cánh cùng nhân dân vùng lũ Mường Pồn

Hơn 10 ngày sau trận lũ lịch sử, xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên còn chồng chất khó khăn. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Điện Biên vẫn khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Bắc cầu tạm cho đồng bào qua suối

Sau trận lũ lớn nhất trong vòng 30 năm qua, một số điểm dân cư ở xã Mường Pồn bị cô lập hoàn toàn. Để kịp thời tiếp tế lương thực và hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, hàng chục chiếc cầu tạm được các chiến sĩ công binh Bộ CHQS tỉnh Điện Biên nhanh chóng thi công.

Hai ngày qua, mặc dù trời đã tạnh ráo nhưng dòng nước đục ngầu vẫn cuồn cuộn chảy trên con suối qua địa phận bản Lĩnh, xã Mường Pồn. Chiếc cầu tạm bằng tre do cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Điện Biên cùng nhân dân làm trước đó không đáp ứng được nhu cầu đi lại. Trước yêu cầu phải khẩn trương triển khai cầu tạm có trụ bằng rọ đá, nối Quốc lộ 4H với bản Lĩnh, Đại úy Lưu Chí Cường, Đại đội trưởng Đại đội Công binh, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cùng các đồng chí cán bộ của đơn vị vừa lội bộ dọc con suối Mường Pồn khảo sát vị trí làm cầu, vừa gọi điện thoại triển khai cho các bộ phận thiết kế rọ đá. Đại úy Lưu Chí Cường cho biết, vị trí đặt cầu tạm phải bảo đảm thuận tiện đi lại, đồng thời có nền vững chắc để cố định và tỳ rọ đá.

 Cán bộ, chiến sĩ công binh của Bộ CHQS tỉnh Điện Biên thi công cầu tạm phục vụ nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Cán bộ, chiến sĩ công binh của Bộ CHQS tỉnh Điện Biên thi công cầu tạm phục vụ nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Dưới sự chỉ huy của Đại úy Lưu Chí Cường, hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng chia thành các tổ: Khuân đá, cố định rọ đá vào vị trí đã xác định, làm mặt cầu... Sau hơn 5 giờ đồng hồ dầm mình trong dòng nước xiết để thi công, mặt cầu được các chiến sĩ công binh làm từ những cây tre, cây gỗ chất lượng tốt bắt đầu được cố định chắc chắn vào từng rọ đá. Đây là nguồn vật liệu có sẵn do nước lũ cuốn về từ đầu nguồn, được các chiến sĩ công binh chọn lựa, tận dụng để làm cầu tạm.

Chăm chú theo dõi các chiến sĩ công binh làm cầu, bà Tòng Thị Diên ở bản Lĩnh trầm trồ: “Bộ đội giỏi quá, việc gì cũng làm được. Mấy ngày qua, các chú vất vả tiếp tế đồ ăn, giúp người dân di chuyển, rồi sửa nhà, dọn bùn đất, giờ lại bắc cầu cho bà con đi lại”.

Giúp nhân dân như giúp người thân

Ngôi nhà sàn của cựu chiến binh Lường Văn Pản ở bản Lĩnh đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, nay bị ngập lụt càng hư hỏng nghiêm trọng. Ông Pản nhập ngũ năm 1976, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, đến năm 1981 thì chuyển ngành, làm cán bộ địa phương và nghỉ hưu hơn 20 năm nay. Những năm gần đây, gia đình ông Pản rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi hai người con (1 trai, 1 gái) bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động. Vợ chồng ông Pản đã già yếu nên khi nước lũ ập đến chỉ còn biết trông cậy vào sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ LLVT và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bộ đội Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) giúp gia đình cựu chiến binh Lường Văn Pản ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn (Điện Biên, Điện Biên) tháo dỡ nhà, di chuyển đến nơi an toàn.

Bộ đội Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) giúp gia đình cựu chiến binh Lường Văn Pản ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn (Điện Biên, Điện Biên) tháo dỡ nhà, di chuyển đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) giúp người dân vùng lũ Mường Pồn (Điện Biên, Điện Biên) khắc phục hậu quả thiên tai.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) giúp người dân vùng lũ Mường Pồn (Điện Biên, Điện Biên) khắc phục hậu quả thiên tai.

Do ngôi nhà của gia đình ông Lường Văn Pản khá lớn, nhiều hạng mục, nên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) gặp không ít khó khăn trong việc tháo dỡ, vận chuyển đến điểm tập kết. Dưới sự chỉ huy của Trung tá Trần Công Quyết, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 82, hàng chục cán bộ, chiến sĩ gần như không nghỉ, tháo dỡ ngôi nhà , các tổ nhóm làm việc nhịp nhàng, cố gắng giữ gìn cẩn thận từng tấm ván, cột gỗ, vì kèo, tấm lợp để dựng lại nhà cho gia đình sau này. Nhìn ngôi nhà được bộ đội tháo dỡ sạch sẽ, vật liệu được bảo quản gần như nguyên vẹn, sắp đặt ngăn nắp, cựu chiến binh Lường Văn Pản không khỏi xúc động: “Bộ đội thời nào cũng vậy, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, luôn hết lòng, hết sức giúp dân”.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoạt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 82, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã giáo dục cho bộ đội thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào vùng lũ, từ đó cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao ý thức trách nhiệm giúp đỡ bà con, góp phần làm sáng đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Ngày 6-8, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết: Theo đề nghị của UBND huyện Mường Nhé về việc bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng khu vực nguy cơ cao sạt lở đất tại bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm, UBND tỉnh Điện Biên đã có công văn chỉ đạo huyện Mường Nhé chủ động bố trí ngân sách dự phòng để kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói; kiểm tra, rà soát, bảo đảm nơi ở tạm của các hộ dân, đồng thời chủ động phương án phòng, chống bệnh tật và vệ sinh môi trường. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra thực địa, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sạt lở tại bản Huổi Lắp; trên cơ sở đó đề xuất, triển khai phương án xử lý để bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản ở khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo kết quả trước ngày 15-8-2024. Trong ngày, LLVT vẫn tiếp tục tìm kiếm 3 nạn nhân còn mất tích do lũ quét tại xã Mường Pồn và khẩn trương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, vệ sinh môi trường...

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG - HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/sat-canh-cung-nhan-dan-vung-lu-muong-pon-788512