Sát hại Tướng Soleimani - chiến lược thiển cận của Mỹ
Những ngày qua, khu vực Trung Đông đột ngột trở nên nóng hơn sau vụ máy bay không người lái của Mỹ không kích sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng Quds thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ngay tại Iraq. Theo báo The Hill (Mỹ), việc sát hại Tướng Soleimani là hành động thiển cận, phản chiến lược và sẽ chỉ làm cho Iraq trở nên bất ổn hơn.
Mặc dù Washington tuyên bố cuộc không kích được tiến hành nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng, còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, Mỹ vẫn duy trì cam kết giảm căng thẳng với Iran, song cuộc tấn công nói trên lại cho thấy những điều ngược lại, làm gia tăng căng thẳng và có thể kích động sự trả đũa. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính sách và sự hiện diện của Mỹ, gây nguy hiểm hơn nữa cho dân thường ở Iraq (bao gồm cả các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ đang diễn ra) và làm khu vực trở nên bất ổn hơn.
Tác động đối với Mỹ
Sự hiện diện của Mỹ ở Iraq đã gặp phải thách thức khi một nhóm những người biểu tình, chủ yếu là lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Iran hậu thuẫn, đã tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq). Cuộc bao vây đã chấm dứt sau 2 ngày, nhưng nhóm biểu tình đã thề sẽ gây sức ép để Mỹ rút khỏi Iraq. Tuyên bố khoa trương vài ngày trước đây của nhóm biểu tình trên giờ đã trở thành mối đe dọa thực sự khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iraq nhanh chóng bị chia tách. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã lên án cuộc không kích của Mỹ khiến Tướng Soleimani thiệt mạng và gọi đó là “một sự vi phạm trắng trợn các điều khoản về sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở nước này.” Phó Chủ tịch Quốc hội Iraq Hassan al-Kaabi khẳng định đã đến lúc phải kết thúc "sự ngạo mạn và liều lĩnh" của Mỹ. Ngày 5-1, Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng họ không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.
Hiện có khoảng 5.200 binh lính Mỹ tại Iraq nhằm giúp huấn luyện lực lượng Iraq và giúp chống lại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Việc trục xuất quân đội Mỹ ra khỏi Iraq sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở cả Iraq và nước láng giềng Syria. Giới lãnh đạo Iraq có thể có quan điểm khác nhau về sự hiện diện liên tục của Mỹ. Tuy nhiên, ở một quốc gia mà sự bất bình đối với Mỹ trở nên mạnh mẽ kể từ cuộc xâm lược năm 2003, cuộc không kích trên của Mỹ sẽ chỉ tiếp tục thúc đẩy quan điểm chống Mỹ. Ngoài ra, nó còn khiến binh lính và nhân viên Mỹ ở Iraq có nguy cơ bị trả thù trực tiếp.
Tác động đối với Iraq
Cuộc không kích sẽ tiếp tục khiến Iraq bất ổn vào thời điểm then chốt, làm chệch hướng phong trào dân chủ chân chính đã duy trì được hơn 3 tháng qua. Một số người biểu tình đã bày tỏ quan điểm chống Iran và nhằm mục tiêu vào lãnh sự Iran cũng như các cơ quan chính thức khác của Iran thể hiện thái độ tức giận đối với sự can thiệp kéo dài của Tehran vào Iraq. Nhiều người trong số đó đã kịch liệt lên án nhóm người thân Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ vào tuần trước và không tham gia nhóm biểu tình trên. Hơn nữa, họ còn cáo buộc các nhà chức trách sử dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc không đối đầu với người biểu tình Kataib Hezbollah mà còn tiến hành các cuộc đàn áp khiến 460 người thiệt mạng và hơn 25.000 người bị thương.
Việc sát hại Soleimani sẽ chỉ tiếp tục củng cố sự ủng hộ đối với Iran và phủ bóng lên phong trào dân chủ. Vụ việc cũng có nguy cơ làm hồi sinh các phóng trào giáo phái ở Iraq. Năm 2018, đã có một sự ủng hộ lớn, vượt lên sự chia rẽ bè phái, để hướng tới một sự thống nhất ở Iraq. Kể từ cuộc xâm lược của Mỹ cho tới cuộc nội chiến, rồi tới cuộc chiến chống IS, nhiều người trẻ tuổi Iraq chỉ biết đến một quốc gia bị bao vây bởi chiến tranh và sự chia rẽ. Nếu Mỹ và Iran tiếp tục coi Iraq là chiến trường, khuynh hướng bè phái sẽ quay trở lại với một thế hệ thường dân Iraq khác lại bị mắc kẹt giữa hai bên.
Tác động đối với Trung Đông
Do ảnh hưởng của Iran với các nhóm vũ trang trên khắp Trung Đông, Iran có khả năng trả đũa thông qua nhiều phương tiện và các kênh khác nhau, khiến các đồng minh của Mỹ trên khắp khu vực phải chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng của Iran. Căng thẳng tiếp tục leo thang cũng làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực vốn đang hỗn loạn từ cuộc nội chiến ở Syria và các cuộc xung đột đang diễn ra khác.
Căng thẳng ngày càng gia tăng cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shi'ite ở Trung Đông. Soleimani là một nhân vật gây chia rẽ trên khắp Trung Đông. Lực lượng Quds, một đơn vị của IRGC, chịu trách nhiệm cho các hoạt động bên ngoài biên giới Iran. Là người đứng đầu lực lượng Quds, Tướng Soleimani đã tham gia củng cố các đồng minh và phối hợp thực hiện các cuộc tấn công ở Iraq, Liban, Syria và các nơi khác, gây bất ổn cho các quốc gia này trong khi tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Tehran. Tuy nhiên, Soleimani cũng là một người theo chủ nghĩa thực dụng, hợp tác với Mỹ vào những thời điểm quan trọng, như trong cuộc chiến đầu tiên chống Taliban sau sự kiện 11-9-2001, thành lập Hội đồng cai trị Iraq năm 2003 và gần đây hơn là trong cuộc chiến chống IS. Soleimani không phải là anh hùng.
Tuy nhiên, việc khiến cho ông trở thành một người tử vì đạo sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đẩy lùi những nỗ lực của cả Iraq và Mỹ nhằm thúc đẩy nền dân chủ và an ninh trong khu vực.