Ông Nguyễn Tam - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) phản ánh, trên 5km bờ biển của địa phương hiện xảy ra những điểm sạt lở. Trong đó, khu vực sạt lở phức tạp nhất là tại thôn Đông Dương, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của 30 hộ dân ven biển.
VIDEO: Sạt lở bờ biển gây thiệt hại rừng phòng hộ, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Thừa Thiên-Huế
Mỗi lần sóng lớn, triều cường dâng cao, nước biển tràn vào tận nhà dân gây hư hại nhà cửa và các công trình hạ tầng thiết yếu. Còn khi có mưa lớn, nước lụt lại tràn từ đất liền ra biển tạo dòng chảy sâu nguy hiểm gây nguy cơ cuốn trôi người, ghe thuyền, nhà cửa của người dân Vinh Hiền.
Giáp ranh với Vinh Hiền là xã Giang Hải. Nơi đây hiện có khoảng 1,5km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng thuộc thôn 4 (sạt lở dài 600 mét, giáp xã Vinh Mỹ) và thôn Mỹ Cảnh (900 mét, giáp xã Vinh Hiền).
Sạt lở bờ biển tại xã Giang Hải đã xảy ra từ hàng chục năm nay, với mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng khi những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển dần biến mất do bị sóng lớn xô đổ, cuốn trôi, “nuốt chửng”.
Tìm hiểu của PV, hơn 10 năm trước, các khu rừng phòng hộ dày đặc ven biển tại thôn Mỹ Cảnh (xã Vinh Hải, nay là Giang Hải) luôn tạo tấm lá chắn có bề rộng hàng trăm mét ngăn cách an toàn giữa biển với ruộng đồng, đường sá, các khu nuôi trồng thủy sản bên trong mỗi khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi những cánh rừng phòng hộ dần biến mất do bị sóng xâm thực dữ dội, nơi đây chỉ còn trơ trọi những cồn bãi cát hẹp.
Rừng phòng hộ bị thu hẹp nhanh chóng khiến sóng biển, triều cường dâng cao luôn có nguy cơ xé toang cồn cát ngăn cách, mở lạch biển mới xâm nhập vào tận ruộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Giang Hải, tình trạng biển xâm thực xảy ra tại địa phương đã ảnh hưởng đến khoảng 90ha đất lúa, đất trồng hoa màu… cùng với 60 ha ao hồ, mặt nước nuôi tôm, cua, cá nước ngọt của người dân.
Triều cường, nạn xâm thực bờ biển ăn sâu vào các cánh rừng phòng hộ và những khu vực dân cư gần sông nước dễ bị thương tổn bởi thiên tai, mưa bão đã ảnh hưởng đến đời sống của 400 hộ dân xã Giang Hải.
“Ruộng đồng, khu nuôi thủy sản nước ngọt bị nước biển xâm nhập, mặn hóa làm cho sản xuất của bà con gặp khó khăn. Cùng với đó, một lượng lớn rác từ đại dương theo sóng biển, triều cường tràn vào khu dân cư mỗi khi có mưa bão, thiên tai đã gây ô nhiễm môi trường cho nhiều khu dân cư ven biển của xã”, ông Hữu cho biết.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, những năm gần đây, các cấp có thẩm quyền đã quan tâm đầu tư nhiều km kè biển tại các xã ven biển của huyện, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống người dân. Các đoạn bờ biển thuộc các xã Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền chưa được xây kè hiện xảy ra tình trạng sạt lở. Sóng lớn, triều cường xâm thực ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân. Toàn tuyến sạt lở qua 3 xã biển này hiện rất cần được đầu tư xây dựng kè cứng.
“Xã Giang Hải hiện còn khoảng 1,5km bờ biển chưa có bờ kè cứng, vẫn xảy ra tình trạng sạt lở mỗi khi thiên tai, nên rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển để bà con yên tâm sản xuất, sinh sống”, ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Giang Hải, kiến nghị.
Ngọc Văn - Thế Nghĩa