Sạt lở đất là 'kẻ thù' nguy hiểm và rất khó dự báo

Liên tiếp trong thời gian qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra các vụ sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra sạt lở đất? Có thể dự báo được sạt lở đất hay không? Làm thế nào để phòng, tránh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất?

Lũ ống, sạt lở đất san phẳng cả một thôn của xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà

Lũ ống, sạt lở đất san phẳng cả một thôn của xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà

6 vụ sạt lở đất trong 1 tháng

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, liên tiếp xảy ra 6 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại một số tỉnh miền Trung làm 95 người chết và mất tích. Đầu tiên là vụ sạt lở đất tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) ngày 12-10, khiến cho 17 công nhân chết và mất tích. Chỉ một ngày sau đó, xảy ra sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 chôn vùi 13 quân nhân và cán bộ địa phương.

Khi việc tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất ở Thừa Thiên Huế còn chưa xong, ngày 18-10, một vụ sạt lở đất kinh hoàng khác tiếp tục xảy ra tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 337 tử vong.

Chỉ 1 ngày sau, ngày 19-10, hiện tượng lún sụt, sạt lở ở khu vực xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình khiến cả Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo bị nứt, nghiêng, sập. Mọi người còn chưa hết bàng hoàng thì ngày 27-10 liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất tại Quảng Nam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến cho 47 người chết và mất tích.

Một điểm dễ nhận thấy là các vụ sạt lở đất thường diễn ra bất ngờ và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Có một điểm chung là tất cả các khu vực xảy ra sạt lở đều có địa hình dốc lại vừa trải qua đợt mưa lũ lớn với lượng mưa từ 2 đến 3,5m bằng lượng mưa của cả một năm. Trong lịch sử, năm 1964 tại Quảng Nam cũng đã xảy ra vụ sạt lở cả cánh rừng nguyên sinh.

Phân tích về nguyên nhân xảy ra các vụ sạt lở đất nói trên, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân chính do là miền Trung có cấu tạo địa chất bất lợi. Đây là khu vực đồi núi cao, dốc vừa trải qua một thời gian dài khô hạn, kết cấu đất yếu sau đó lại hứng chịu một đợt mưa lớn, dồn dập.

Về địa chất, khu vực này có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét, trong điều kiện mưa lâu ngày, nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, kéo lực trượt xuống phía dưới. Cùng với đó, các hoạt động của con người như mở đường, san ủi đồi núi để làm nhà ở, trường học… cắt mất chân sườn dốc là một trong những nguyên nhân tác động khiến cho đất đá bị sạt lở.

Ông Thành cho biết thêm, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có vùng địa lý núi cao, sườn dốc, mưa tập trung thường xuyên xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng. Ngay cả Nhật Bản có công nghệ cảnh báo sạt lở đất rất hiện đại nhưng năm 2017 cũng xảy ra sạt lở đất kinh hoàng ngoài dự báo.

Vấn đề đặt ra là làm sao cảnh báo sớm được cho người dân để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất. Ông Thành cho biết việc dự báo sạt lở đất rất khó và cần phải có nghiên cứu rất toàn diện. Trước hết cần có nghiên cứu về địa mạo, địa chất mới mới đưa ra được cảnh báo nguy cơ trên diện rộng. Cùng với đó, cần phải nghiên cứu các yếu tố dân sinh khác cộng với quan trắc lượng mưa mới ra được các điểm có nguy cơ sạt lở để xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho một khu vực là huyện, tỉnh, tuy nhiên việc cảnh báo chính xác khu vực nhỏ là rất khó.

Hiện nay, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất đối với các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ với tỉ lệ 1/ 50.000. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện, hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Việc tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, nơi tập trung cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn. "Chúng ta đã cảnh báo đến huyện rồi, bây giờ sẽ cố gắng cảnh báo đến xã", ông Thành nhấn mạnh.

Cần có lực lượng ứng phó mang tính chuyên nghiệp hơn

Bàn về biện pháp phòng, tránh và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, ông Thành cho rằng, hiện nay, có thể dựa trên lượng mưa để có thể đưa ra cảnh báo về sạt lở đất. Các địa phương, cơ quan quản lý cần dựa trên bản đồ này để nhận biết khu vực nguy cơ sạt trượt cao, không bố trí định cư, định canh. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần lập vùng an toàn để khi có thiên tai thì dễ dàng sơ tán dân. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cần đặt mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn lên đầu, trồng rừng ở những nơi thường trượt lở đất đá.

BĐBP Quảng Nam di chuyển vào khu vực bị sạt lở đất tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Huỳnh Chín

BĐBP Quảng Nam di chuyển vào khu vực bị sạt lở đất tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: Huỳnh Chín

Thực tế, công tác cứu hộ, cứu nạn các vụ sạt lở đất vừa qua cho thấy chúng ta còn khá lúng túng. Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thẳng thắn nhìn nhận, tính chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ sạt lở đất của Việt Nam còn rất thấp thêm vào đó, trang thiết bị chuyên dùng rất ít.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới có hàng chục công ty tư vấn chuyên thiết kế cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, những công ty này xác định được ngay khối lượng và đưa ra các giải pháp khắc phục. "Tại nhiều quốc gia họ có sẵn những nhà thầu được bố trí ở các địa phương, khi có thiệt hại do thiên tai, những nhà thầu này cứ thế đến thi công khắc phục. Do đó, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được diễn ra nhanh chóng", ông Hoài nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chúng ta cần hơn một lực lượng mang tính chuyên nghiệp cao hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn. Lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp với mọi địa hình và thời tiết, có như vậy chúng ta mới bảo đảm cứu hộ nhanh, an toàn và bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/sat-lo-dat-la-ke-thu-nguy-hiem-va-rat-kho-du-bao-post434814.html