Sạt lở đất và nâng cao khả năng ứng phó

Chúng ta đã biết, dưới tác động cực đoan của thời tiết, mưa lớn kéo dài dễ dẫn đến tình trạng sạt lở đất, gây nên những hiểm họa khó lường. Những ngày gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến các vụ sạt lở đất mà hậu quả của nó để lại hết sức nặng nề, gây thiệt hại cả về tính mạng con người và tài sản, đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa sự chủ động, năng lực dự báo, phòng tránh, khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, trong đó vai trò của các cấp chính quyền, ngành chức năng, mỗi người dân và toàn xã hội... phải được phát huy, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xem nhẹ.

Khắc phục sạt lở đất năm 2024 trên quốc lộ 70B, đoạn đi qua khu Bến Sơn, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập...

Khắc phục sạt lở đất năm 2024 trên quốc lộ 70B, đoạn đi qua khu Bến Sơn, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập...

...và điểm sạt lở trên địa bàn xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

...và điểm sạt lở trên địa bàn xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

Hiểm họa khó lường

Đã khoảng 3 tuần trôi qua nhưng hậu quả của vụ sạt lở đất ở tỉnh Hà Giang vẫn để lại những con số đầy ám ảnh. Thông tin từ báo chí cho thấy, rạng sáng ngày 13/7/2024 đã xảy ra sự cố sạt lở đất nghiêm trọng, vùi lấp xe khách lưu thông trên tuyến quốc lộ 34 thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang khiến 11 người tử vong và 4 người khác bị thương.

Gần đây hơn, rạng sáng ngày 24/7, cũng do mưa to đã gây ra sạt lở đất tại bản Hua Pư và bản Pá Hốc, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La làm 6 người tử vong. Như vậy, chỉ trong thời gian từ 22 - 25/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La ghi nhận hàng chục trường hợp thương vong do mưa lũ, sạt lở đất, trong đó có 6 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương.

Theo báo cáo của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đêm 24, rạng ngày 25/7 đã làm 4 người tử vong, 7 người bị thương, 3 người mất tích.

Trước đó, chiều 20/7, do mưa lớn làm cho đất, đá trên đồi sạt lở, vùi lấp một ngôi nhà ở thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng khiến anh N.Q.D (sinh năm 1988) tử vong, anh N.V.Đ (sinh năm 1982, ngụ xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) bị thương, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và chuyển đến điều trị tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi.

Đáng nói là, các vụ sạt lở đất không chỉ xảy ra ở một quốc gia mà còn có thể ở nhiều quốc gia khác trên thế giới do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Nhìn rộng ra, theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), ngày 22/7/2024, sau đợt mưa lớn kéo dài tại khu dân cư miền núi thuộc bang Nam Ethiopia đã xảy ra thảm họa sạt lở đất kinh hoàng nhất được ghi nhận ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này khiến 257 người chết và có thể con số đó còn chưa dừng lại.

Nghiêm trọng hơn, thời gian trước, khoảng 3 giờ sáng ngày 24/5/2024, một vụ sạt lở đất lớn cũng đã xảy ra ở làng Kaokalam, tỉnh Enga, Papua New Guinea làm hơn 2.000 người bị vùi lấp, tử vong, tàn phá các tòa nhà, tác động lớn đến huyết mạch kinh tế của đất nước...

Lực lượng chức năng lập chốt, đặt biển cảnh báo, nhắc nhở người dân không đi qua tuyến đường nguy hiểm khi có sạt lở đất.

Lực lượng chức năng lập chốt, đặt biển cảnh báo, nhắc nhở người dân không đi qua tuyến đường nguy hiểm khi có sạt lở đất.

Chủ động phòng chống, nâng cao khả năng ứng phó

Xét ở khía cạnh nào thì sạt lở đất cũng có thể gây ra những hậu họa lớn cho con người. Vì vậy, chủ động ứng phó, nâng cao năng lực phòng tránh là yêu cầu bắt buộc, cần thiết và nhất thiết nhằm hạn chế, giảm thiểu tác hại của thiên tai.

Trên bình diện vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn ở những nơi xảy ra sạt lở đất; kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để chủ động sơ tán, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Đồng thời, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai, theo dõi chặt chẽ biễn biến thời tiết, thông tin kịp thời, cảnh báo từ sớm, từ xa, hướng dẫn người dân kỹ năng phòng tránh; bố trí lực lượng, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra...

Ở tỉnh ta, hạ tuần tháng 6 vừa qua có mưa vừa và mưa to, gây sạt lở cục bộ bờ sông Đà tại khu 10, 12 xã Đồng Trung; trượt 150m mái kè mương bằng bê tông khu Bờ Đắp, xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy. Tại huyện Yên Lập, từ tháng 5 đến nay, mưa to đã làm sạt lở 37 điểm taluy dương các tuyến đường tỉnh, giao thông liên khu các xã, thị trấn, khối lượng sạt lở trên 80.000m3 đất, đá, tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí khắc phục).

Do mưa lớn ngày 15/7, tại km10+100 đường tỉnh 316H thuộc khu Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn xảy ra sạt lở đất, đá chiều dài khoảng 30m từ taluy dương xuống đường nhựa liên xã; đêm và rạng sáng ngày 19/7, do mưa dông kéo dài, khu Đồi Chè, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn xảy ra sạt lở, sói mòn chân đường tại km13, tỉnh lộ 316... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó với hậu quả thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã tăng cường chỉ đạo tích cực hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về phòng chống thiên tai hàng năm; thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”, Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai Quốc gia, Phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn giai đoạn 2023 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng chống thiên tai; chủ động bám sát chặt chẽ biễn biến thời tiết, nâng cao năng lực dự báo, khả năng ứng phó, có các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của Nhân dân, Nhà nước; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mưa, bão, sạt lở đất, khẩn trương khắc phục hậu quả nếu có tình huống xảy ra...

Để phòng tránh sạt lở đất, người dân cần lưu ý: Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, ưu tiên bảo vệ tính mạng trước tiên; không được đi qua hoặc lại gần khu vực sạt lở đất; hướng dẫn cho người dân, thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật kỹ năng phòng tránh cần thiết; không nên xây nhà ở khu vực ven sông, suối, sườn dốc, gần mái dốc đường giao thông; tham gia trồng cây, bảo vệ rừng để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất...

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/sat-lo-dat-va-nang-cao-kha-nang-ung-pho-216564.htm