Sạt lở đường, bờ sông ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương
Nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng sạt lở, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất nông nghiệp của người dân.
TTXVN đưa tin, tình trạng sạt lở ở nhiều địa phương ở Tây Nguyên cho tới Đồng bằng sông Cửu Long đang gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân. Chẳng hạn như sạt lở tại tỉnh lộ 7, đoạn đi qua xã Buôn Triết, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa được khắc phục, người dân khó khăn hơn trong giao lưu kinh tế. Tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang cũng bị sạt lở mấu cống, sụt lún đất, nguy cơ ảnh hưởng đến hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp và quá trình ngăn mặn của địa phương…
Liên quan đến việc chậm khắc phục đoạn đường sạt lở trên tỉnh lộ 7, đoạn đi qua xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông vừa có đề nghị lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xác minh và có thông tin phản hồi về nội dung này trước ngày 19-4.
Trước đó, báo chí phản ánh thông tin một đoạn đường qua xã Buôn Triết, huyện Lắk bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng từ tháng 10-2023 đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong khi đó, tỉnh lộ 7 là tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Lắk với huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng vào tháng 10-2023, tại Km17+540, mặt đường bị sạt lở, lấn vào mặt đường bê tông nhựa hơn 1m, kéo dài gần 20m, bề rộng vết nứt 40-90 cm.
Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vừa xảy ra sạt lở với chiều dài trên 2m, chiều ngang khoảng 6m tại cống Tam Sóc (xã Mỹ Thuận). Đây là lần sạt lở thứ 2 kể từ giữa tháng 2-2024 đến nay. Vụ sạt lở ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và nguy cơ ảnh hưởng đến hàng ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Mỹ Hương, Mỹ Thuận và Thuận Hưng. Bên cạnh đó, vị trí sạt lở này cũng làm ảnh hưởng đến việc ngăn mặn, ngăn triều cường phục vụ sản xuất cho khu vực ở các xã như xã Mỹ Thuận, xã Thuận Hưng, xã Mỹ Hương và xã Phú Mỹ.
Trước đó, theo TTXVN, hồi cuối tháng 2, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định số 276 về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú. Ngành chức năng đang vận hành các cống lân cận để đảm bảo sản xuất; phối hợp với UBND các xã liên quan thực hiện các giải pháp trước mắt như gia cố tạm thời các cống, bờ bao đất sản xuất của gia đình trong thời gian đợi sửa chữa.
Một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Chiều 10-4-2024, tỉnh Kiên Giang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán, khu vực vùng đệm U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng. Tính đến ngày 7-4, vùng đệm U Minh Thượng có 310 điểm sụt lún, sạt lở, tổng chiều dài hơn 7.500 m. Trong đó, tuyến ĐT.965 có 40 điểm sạt lở và nguy cơ tiếp tục sạt lở thời gian tới với chiều dài ước khoảng 7.000 m, ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 105 tỉ đồng. Ngoài ra, nhà dân đã sập 26 căn và 54 căn nhà khác có nguy cơ cao tiếp tục sụp đổ.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ngày 5-4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ký quyết định số 556 về việc công bố tình huống, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Địa bàn huyện đang có 3 ao trữ nước ngọt. Tuy nhiên, lượng nước trên dự kiến chỉ đủ dùng trong tối đa khoảng 30 ngày.