Sạt lở hoành hành
Vào mùa mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, đá, ngập lụt trên những tuyến đường luôn rình rập gây nguy hiểm tính mạng người tham gia giao thông. Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sáng 5/8, trên một số tuyến đường quốc lộ 6 và tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình và tỉnh Điện Biên xuất hiện các điểm sạt lở, đá rơi, nước ngập gây cản trở giao thông. Dự báo diễn biến thời tiết còn phức tạp từ nay đến hết tháng 8.
Thiệt hại nghiêm trọng
Tại khu vực phía Bắc mưa lớn kéo dài gây sạt lở trên các tuyến đường Hòa Bình, Điện Biên. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 8h ngày 5/8, tại tuyến đường 446 khu vực ngầm Bãi Nai, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, bị ngập. Cùng thời điểm trên, tại km146 tuyến quốc lộ 6 thôn Tam Hòa, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, cũng xuất hiện điểm sạt lở đất đá từ trên đồi xuống đường. Còn tại đường liên xã Hang Kia - Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, một lượng đất đá lớn trên núi đã lở xuống đường, cản trở giao thông.
Trong sáng 5/8, xuất hiện sạt lở gây tắc đường, xe ô tô không đi được tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Vào khoảng 8h sáng cùng ngày, tại km 421 trên quốc lộ 6 thuộc bản Co Ngựu, xã Mương Mùn, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), hai bên đường bị sạt lở làm giao thông đi lại gặp khó khăn. Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên và Công an huyện Tuần Giáo, Mường Chà, đã phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ số 1 và số 2 khắc phục hậu quả, hướng dẫn phân luồng, cảnh báo người, phương tiện không đi qua các điểm sạt lở, nước ngập đường.
Đến trưa 5/8, đã thông xe tạm thời tại km3+600 quốc lộ 4H thuộc địa phận huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục khuyến cáo, đề nghị người dân khi lưu thông qua các khu vực trên tuyệt đối tuân thủ việc điều tiết giao thông của lực lượng chức năng, không tự ý qua lại những khu vực có nguy cơ sạt lở và nước ngập.
Cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, sạt lở đường cũng gây chia cắt giao thông giữa TP Lai Châu với huyện Sìn Hồ. Tại Bắc Giang, sạt lở cũng xuất hiện tại thông Trúc Tay, xã Vân Trung, huyện Việt Yên.
Trước đó, ngày 4/8, tại km 128+750 Quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Tòng, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Vào thời gian trên, xe ô tô BKS: 26A - 0528 khi đến địa điểm trên thì bị đất đá ở taluy bên trái lăn vào xe. May mắn 4 người trong xe thoát nạn.
Đáng chú ý, ngay tại Hà Nội sạt lở đã xuất hiện tại khu vực hồ Ban Tiện, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hôm 4/8. Địa điểm xảy ra nước lũ thuộc đội 4, thôn Ban Tiện, khu vực tập trung nhiều nhà nghỉ dưỡng dạng homestay trên địa bàn. Nhiều người cho rằng sự việc trên tại Sóc Sơn là hiện tượng lũ quét nhưng lãnh đạo địa phương khẳng định đây không phải là lũ quét, chỉ là do mưa quá lớn kèm độ dốc của địa hình nên nước đổ xuống kèm theo sỏi đá và đất khiến xe bị đất bao vây chứ không có chuyện sạt lở đất.
Hiện khu vực Tây Nguyên đang là tâm điểm của sạt lở. Riêng tỉnh Lâm Đồng, từ đầu mùa mưa tới nay đã có 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất... Hậu quả làm 9 người tử vong, 4 người bị thương, hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà… Đáng chú ý là vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc chiều ngày 30/7 làm 3 cảnh sát giao thông hy sinh và 1 người dân tử vong. Giao thông tại đèo bị mắc kẹt 3 ngày (từ 30/7 đến 1/8). Trong khi chỗ bị sạt lở chỉ là 1 trong hơn 100 khúc cua nguy hiểm trên con đèo dài 10 cây số này.
Phá rừng, san gạt đất tạo nên nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành đã đề cập nhiều nội dung liên quan nguyên nhân sạt lở, trượt lở sườn đồi, núi. Theo ông Thành, các hoạt động chặt phá rừng, san gạt đất... tạo nên nguy cơ lớn, nhất là khi có mưa kéo dài.
Cũng theo ông Thành, người dân cũng như các lực lượng chức năng tại địa phương cần theo dõi, cảnh báo càng sớm càng tốt về các hiện tượng sạt lở sườn đồi, núi. Các dấu hiệu thường xuất hiện trước như: Vết nứt trên mặt đất, cây cối nghiêng theo một hướng, nghe thấy tiếng nổ lụp bụp thể hiện đứt gãy địa chất trong lòng đất phát triển… Khi phát hiện, cần sớm có phương án đánh giá, di dời người dân.
Ngay sau đó, ngày 3/8, tuyến đường tránh Quốc lộ 20 (hay còn gọi là đường tránh TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị nứt toác kéo dài 100m, sụt lún nhiều chỗ. Khu vực giữa đường bị lún sâu xuống khoảng 40 đến 50cm, nhiều miếng bê tông và nhựa bung lên, các vết nứt ngày càng dày đặc hơn. Bên cạnh đó, hàng trăm mét đường và nhiều nhà dân ở khu vực thi công dự án hồ chứa nước Đông Thành (huyện Lâm Hà) xuất hiện nhiều vết nứt khiến cho các hộ dân sống trong cảnh bất an.
Trong ngày 3/8, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) còn 3 vị trí có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã tăng cường cảnh báo, sẵn sàng di tản người dân khi cần thiết. Đến ngày 5/8, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua TP Gia Nghĩa, sạt lở chia cắt phần đường dành cho xe máy và xe thô sơ. Xã Nhân Cơ và thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông) có 2 tuyến đường bị sạt lở hàng chục mét, có nguy cơ đang lan rộng. Còn tại huyện biên giới Tuy Đức có bốn tuyến đường và nhiều công trình bị sạt lở, đất đá trôi chắn xuống đường gây ách tắc giao thông…
Ứng phó cách nào?
Thời tiết ngày càng cực đoan đang gây ra kiểu thời tiết trái mùa, khắc nghiệt, không thể dự đoán, bất thường và bất ngờ gây thiệt hại rất nặng nề cả về tính mạng và tài sản, giao thông chia cắt. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc là bài học mới, nguy cơ mới. Mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay, tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả.
Nhận định về các vụ sạt lở liên tiếp xảy ra, PGS.TS Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý Ứng dụng cho biết, ngoài Lâm Đồng, cả nước còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở. Nước ta có 80% diện tích là đồi núi, trượt lở đất thường xuyên xảy ra ở miền núi. Có nhiều nơi còn trầm trọng hơn vùng Lâm Đồng như vụ việc ở đèo Bảo Lộc vừa qua. Ví dụ, vùng Tây Bắc hay miền Tây Trung Bộ như Quảng Nam, miền tây Quảng Bình, tây Nghệ An… Trong điều kiện khí hậu cực đoan, mưa nhiều kéo dài tạo ra những dòng nước chảy bề mặt rất hay sạt lở. Trong khi đó, rừng tự nhiên bị chặt trụi nên dễ xảy ra sạt lở đất.
Theo ông Cao Đình Triều, rừng nguyên sinh chặt gần hết, có nơi còn chưa kịp trồng mới, có nơi chặt rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không giữ được nước bề mặt, dẫn đến trôi chảy nhanh, gây sạt lở. Cách đây mấy năm xảy ra vụ sạt lở trên Tây Bắc hay gần đây ở Quảng Nam mức độ rất nghiêm trọng. Trượt về địa chất có từ xưa, nhưng khi đó ít trượt lở do có nhiều rừng nguyên sinh. Bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần trượt lở mạnh, lũ ống, lũ quét để có những giải pháp phòng, tránh hậu quả đáng tiếc như đã diễn ra thời gian qua.
PGS.TS Cao Đình Triều lưu ý, khi xây dựng công trình, cần giảm độ mái dốc xuống và có biện pháp chống trượt tại những điểm trượt cụ thể. Có nhiều biện pháp chống trượt từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là giảm độ dốc và trồng cây. Trồng cây có thể giữ đất khỏi trôi trượt nhưng cần chọn các loại cây bám rễ sâu xuống đất xuyên qua lớp phong hóa mới giữ được.
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, chính quyền các địa phương và người dân cũng cần chủ động hơn trong việc phòng, chống sạt lở như kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…
Ở góc nhìn khác, để giữ an toàn giao thông trên những tuyến đường trong mùa sạt lở, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng: Ngoài việc dự báo kịp thời thì mỗi địa phương có nhiều đồi núi đất cần phải trang bị kỹ năng phát hiện sớm và ứng phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Phải dự phòng tốt, nhất là trên những cung đường đèo dốc, những vùng hay bị mưa lũ. “Đảm bảo giao thông không bị chia cắt trong thiên tai cũng là đảm bảo an ninh quốc gia, vì giao thông được bảo đảm thì mới có thể thực hiện được kịp thời công tác cứu nạn, cứu hộ ở những vùng bị thiên tai nặng nề”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày qua, khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to. Dự báo, mưa to và rất to còn kéo dài trong những ngày tới tại các khu vực nói trên.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Dự báo, tại khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Lý giải về hiện tượng này, Phó Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Vũ Anh Tuấn cho biết, mưa to đến rất to tại Bắc Bộ trong thời gian qua và trong những ngày tới là do hoạt động của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ kết hợp với vùng rãnh thấp trên khu vực Đông Bắc của nước ta. Hoạt động của rãnh thấp này kết hợp với gió mùa Tây Nam ở phía Nam có thể gây mưa vừa, mưa to và dông diện rộng trên khu vực Bắc Bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa dông cục bộ có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sat-lo-hoanh-hanh-5725092.html