Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 3 - Kiên quyết tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao
Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống và hạn chế thiệt hại. PV Báođã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, tình hình sạt lở trên địa bàn đã tác động như nào đến cuộc sống của người dân? TP Cần Thơ có chính sách gì hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do sạt lở gây ra?
Ông Trần Việt Trường: Trong thời gian qua, tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố đã và đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người dân. Sạt lở gây ra thiệt hại khá lớn về tài sản, gây mất đất, mất đường giao thông, chia cắt giao thông và ảnh hưởng đến an toàn của người dân, an toàn giao thông...
TP Cần Thơ đã thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai, tổng số tiền đã chi hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống thiên tai đầu năm 2023 đến nay là 881,5 triệu đồng (trong đó hỗ trợ nhà bị ảnh hưởng sạt lở là 260 triệu đồng).
Phóng viên: Trước tình hình sạt lở ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, TP Cần Thơ đã triển khai các biện pháp phòng, chống như nào?
Ông Trần Việt Trường: TP Cần Thơ đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền phòng chống sạt lở bờ sông, khuyến khích nhân dân bảo vệ cây cối ven sông, không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông…
Chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn;
Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Chủ tich UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép trong hành lang sông, kênh rạch.
Kiên quyết tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch. Có biện pháp chủ động gia cố các đoạn bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt điều kiện nhân lực và phương tiện, vật tư tại chỗ.
Phối hợp với các địa phương tổ chức đi thực địa, cắm các biển cảnh báo sạt lở tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, để người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng chống sạt lở.
Để chủ động trong ứng phó với tình hình sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên tuyến sông Trà Nóc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam) thực hiện khảo sát, phân tích đánh giá sạt lở sông Trà Nóc, đồng thời lập bản đồ dự báo vùng sạt lở, để chính quyền và người dân trên tuyến biết, chủ động phòng chống, ứng phó.
Trong thời gian qua, thành phố đã phối hợp với địa phương thực hiện gia cố trên 4.000m kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã phối hợp với địa phương và sở, ngành khảo sát cụ thể và tham mưu cho UBND thành phố xem xét, ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 16/39 điểm sạt lở nguy hiểm (UBND thành phố đã ban hành tổng số 16 Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, tổng chiều dài xử lý 1.885 mét, tổng mức đầu tư dự kiến trên 165 tỷ đồng).
Việc áp dụng các giải pháp công trình để phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch đòi hỏi cần phải có nguồn lực rất lớn về tài chính (đặc biệt trong điều kiện hiện nay sạt lở diễn ra trên phạm vi rộng, quy mô và mức độ thiệt hại do sạt lở ngày càng lớn). Do đó, khi đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở, cơ quan chức năng của thành phố luôn tổ chức xem xét kỹ về điều kiện tự nhiên tại khu vực sạt lở, vị trí địa lý, nguyên nhân chính gây ra sạt lở, nhu cầu và công năng sử dụng của công trình để tham mưu UBND thành phố quyết định lựa chọn giải pháp cho phù hợp để vừa đảm bảo mục tiêu chống sạt lở vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư.
Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ với mục tiêu chống sạt lở, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định và chỉnh trang đô thị.
Phóng viên: Theo ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn thành phố?
Ông Trần Việt Trường: Thuận lợi là trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thành phố đã đầu tư xây dựng một số dự án kè bảo vệ bờ sông, các dự án này đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ đất đai...
Tuy nhiên, thành phố cũng gặp khó khăn trong phòng, chống sạt lở do những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đặc biệt là, sạt lở bờ sông có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, gây ra thiệt hại lớn về sinh mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng ven sông. Sạt lở diễn ra trên phạm vi rộng, quy mô và mức độ thiệt hại do sạt lở ngày càng lớn.
Phóng viên: TP Cần Thơ có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân?
Ông Trần Việt Trường: Thành phố sẽ rà soát, cân đối nguồn dự phòng ngân sách của thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác ưu tiên khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn để thành phố thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở trọng điểm, khẩn cấp.