Sát ngày Thần Tài vàng 63 triệu/lượng, đón mốc 65 triệu/lượng đầu năm mới
Giá vàng đang giao dịch ở mức cao, gần 63 triệu đồng/lượng. Nhiều khách hàng đang phân vân có nên mua vàng vào ngày vía Thần tài sắp tới hay không.
Giao dịch ở mức cao
Kết thúc phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán (29/1), giá vàng miếng 9999 tại SJC tại Hà Nội có giá 61,23 triệu đồng/lượng (mua vào) - 61,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC chốt ở mức 61,23 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,93 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, Doji niêm yết giá vàng tại Hà Nội là 61,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM niêm yết giá vàng ở mức 61,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,93 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trước đó, phiên 25/1, giá mua bán vàng miếng SJC tăng lên 62,05 - 62,7 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng miếng trong nước. Nếu so với 1 năm trước, giá mặt hàng này đã tăng tới 6,5 triệu đồng/lượng, tương đương 11,6%.
Thị trường vàng chuẩn bị cho ngày Lễ Thần tài (10 Âm lịch). Theo nhận định của công ty vàng, trong văn hóa của phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, vàng luôn tượng trưng cho những giá trị tốt đẹp, đại diện cho phú quý, sung túc và may mắn. Vì vậy, nhu cầu mua vàng cầu tài lộc, thịnh vượng để chào đón một năm mới 2022 khởi sắc của người dân trong dịp đầu năm hiện nay đang tăng cao.
Với mức giá gần 63 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đang ở mức cao khiến cho nhiều khách hàng phân vân có nên mua vào ngày vía Thần tài hay không.
Trước nghỉ lễ, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã sớm có kế hoạch, sản phẩm cho Lễ Thần tài. PNJ tung loạt sản phẩm Thần tài 2022, gồm tượng, trang sức, tranh.
Bảo Tín Minh Châu đã chuẩn bị số lượng lớn nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long 999.9 từ 0,5 chỉ đến 10 chỉ để đáp ứng nhu cầu mua vàng lấy may của người tiêu dùng.
Doji tung ra hàng trăm nghìn các sản phẩm vàng như: các loại vàng ép vỉ, trang sức vàng 24K công nghệ 3D, quà tặng vàng 24K đúc nguyên khối… đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
Triển vọng giá vàng
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ giảm 1,8 USD xuống 1.804,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3/2022 trên sàn Comex New York tăng 6 USD lên 1.809,2 USD/ounce.
Giá vàng đã dao động quanh mức 1.800 USD/ounce gần đây trong bối cảnh thị trường tập trung theo dõi động thái của các ngân hàng trung ương lớn khi nền kinh tế của họ đối mặt với rủi ro lạm phát ngày càng tăng. Các nhà phân tích cho rằng nếu vàng có thể tiếp tục ổn định trên 1.800 đô la, một số nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu quay trở lại mua vào.
Việc lạm phát tăng cao không ngừng, bất ổn dâng cao trên các thị trường tài chính và căng thẳng trên khắp thế giới đã tạo ra tình trạng nhu cầu vàng tăng cao. Trong năm 2021 tổng nhu cầu đối với vàng tăng từ 3.658 tấn lên 4.021 tấn và chủ yếu lượng vàng tăng từ phía cầu này được dùng trong sản xuất nữ trang, nhu cầu tăng ước tính khoảng 67% so với năm 2020.
Ngân hàng trung ương các nước phát triển và mới nổi đã mua thêm 463 tấn vào dự trữ của họ, cao hơn 82% so với năm 2020, tổng nhu cầu toàn cầu lên mức cao nhất trong 30 năm.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA nhận định, về mặt kỹ thuật, 1.800 USD/ounce là ngưỡng vô cùng quan trọng đối với giá vàng. Nếu kim loại quý này có thể tiếp tục dao động quanh mức đó, thị trường có thể tiếp tục đi lên.
StoneX đã đưa ra nhận định mới về vàng trong năm 2022, theo đó, với việc đồng USD yếu hơn và căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đưa giá vàng đạt trung bình ở mức 1.871 USD/ounce và giao dịch ở mức 1.900 USD/ounce trong quý IV.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, giá vàng thế giới có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce và giá vàng trong nước sẽ cán mốc 65 triệu đồng/lượng trong năm 2022.