'Sát thủ vô hình' của Nga khắc chế HIMARS
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov cho hay Nga đã tìm ra cách đánh chặn các loại đạn pháo dẫn đường bằng GPS, bao gồm rốc-két của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất.
Ông Reznikov nói với tờ Financial Times hôm 5-7 rằng khi các Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao HIMARS lần đầu được đưa tới Ukraine hồi năm ngoái, chúng có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, Nga có hệ thống vô tuyến điện tử mạnh nên cuối cùng đã tìm ra cách gây nhiễu đối với đạn pháo dẫn đường bằng GPS và rốc-két từ HIMARS.
Ông Reznikov mô tả đây là một cuộc chiến công nghệ. Nga tìm ra cách đáp trả, Ukraine thông báo cho các đối tác và họ lại tìm ra một phương án mới để đối phó với chiến thuật của Nga.
Ông Reznikov cho rằng đối với ngành công nghiệp quân sự của thế giới, không thể tìm ra một bãi thử vũ khí nào tốt hơn ở Ukraine. Do đó, ông lập luận rằng phương Tây có thể triển khai các vũ khí tới Ukraine để kiểm tra xem chúng có hoạt động hiệu quả hay không hoặc cần phải được nâng cấp.
Trong khi đó, theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy hàng chục hệ thống HIMARS bằng máy bay không người lái kamikaze và hỏa lực pháo binh dù những tuyên bố này bị Kiev và Washington bác bỏ.
Ukraine đã được cung cấp hàng chục hệ thống HIMARS, có tầm bắn 85 km kể từ tháng 6 năm ngoái. Phương Tây mô tả hệ thống này là nhân tố thay đổi cục diện trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) gần đây công bố phân tích cho thấy hoạt động tác chiến điện tử của Nga - được xem là "sát thủ vô hình" - đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với các loại vũ khí thông minh của phương Tây viện trợ cho Ukraine, đặc biệt là bom dẫn đường JDAM và HIMARS của Mỹ.
Theo Business Insider, nhà nghiên cứu Thomas Withington của RUSI cho rằng: "Việc gây nhiễu không khiến cho các JDAM ngừng hoạt động nhưng nó gây rủi ro cho độ chính xác của chúng".
Mặc dù các nâng cấp chống nhiễu cho JDAM có thể giúp giảm thiểu rủi ro nhưng hệ thống tác chiến điện tử của Nga lại có thể dễ dàng làm mất đi tín hiệu dẫn đường GPS từ các vệ tinh.
Chuyên gia Withington cho biết R-330Zh Zhitel, tổ hợp tác chiến điện tử di động đặt trên xe tải của Nga, được thiết kế chuyên làm gián đoạn tín hiệu GPS và kết nối vệ tinh trong dải tần số 100 MHz đến 2 GHz. Phạm vi hoạt động của Zhitel lên tới hơn 46 km, công suất gây nhiễu đạt 10 kW, mạnh hơn đáng kể so với tín hiệu GPS đến từ không gian.
Cũng theo báo cáo của RUSI, lực lượng tác chiến điện tử của Nga có "khả năng cao" trong việc đánh chặn và giải mã thông tin liên lạc vô tuyến của Ukraine. Tuy nhiên, hoạt động tác chiến điện tử của Nga cũng có một số hạn chế. Các chùm tia gây nhiễu mạnh cũng có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và định vị vệ tinh của chính lực lượng Nga.