Sau 1 năm nhiều thiên tai, liệu thời tiết sắp tới có ổn hơn?

Hiện tượng El Ninõ được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2024, nhiệt độ toàn cầu khả năng sẽ tiếp tục tăng, phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ trước đây và kéo theo nhiều nguy cơ thảm họa thiên tai.

Năm 2023, thế giới chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan. Lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, các cơn bão lớn đã tàn phá nhiều khu vực, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Năm 2024, hiện tượng El Ninõ kéo dài và sự nóng lên toàn cầu khả năng sẽ khiến thời tiết thế giới diễn biến phức tạp.

Năm 2023, thiên tai nối tiếp thiên tai

Có thể nói trong năm 2023, thế giới chứng kiến thiên tai nối tiếp thiên tai. Ngay từ đầu năm, hàng loạt nước đã bị bão lũ tàn phá như Pakistan (tháng 1), Brazil (tháng 2), Hàn Quốc (tháng 7), Trung Quốc (tháng 7, tháng 8, tháng 9)… Nghiêm trọng nhất là trận lũ lụt do bão Daniel gây ra khiến hơn 3.900 người ở Libya thiệt mạng hồi tháng 9.

 Đến giữa tháng 12, vẫn còn gần 6.300 cư dân thị trấn Lahaina ở phía bắc đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) phải sống trong khách sạn, hơn bốn tháng sau đợt cháy rừng kinh hoàng thiêu rụi hết nhà cửa của họ. Ảnh: CIVIL BEAT

Đến giữa tháng 12, vẫn còn gần 6.300 cư dân thị trấn Lahaina ở phía bắc đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) phải sống trong khách sạn, hơn bốn tháng sau đợt cháy rừng kinh hoàng thiêu rụi hết nhà cửa của họ. Ảnh: CIVIL BEAT

Năm 2023 cũng là một năm “đại nạn” cho các cánh rừng, với hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra ở rất nhiều khu vực khắp thế giới. Ngay trong mùa xuân năm 2023, Canada đã chứng kiến hàng trăm vụ cháy rừng. Thảm họa cháy rừng ở đảo Maui, bang Hawaii (Mỹ) hồi tháng 8 khiến gần 100 người thiệt mạng đến thời điểm này vẫn còn làm thế giới bàng hoàng. Đây là thảm họa cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ.

Trong tháng 8, cháy rừng cũng tàn phá khu vực đông bắc Hy Lạp. Tây Ban Nha chứng kiến đợt cháy rừng lớn kéo dài trong suốt một tuần. Các vụ cháy rừng xảy ra trong bối cảnh châu Âu oằn mình trong đợt nắng nóng gay gắt mùa hè. Nhiều vùng của Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Ý phải đối mặt với nắng nóng rát da, với nhiệt độ trên 40 độ C.

Nhiều khu vực ở châu Á chịu khô hạn nặng vì tác động của El Ninõ (bắt đầu từ tháng 6). Trung Quốc cũng chứng kiến hơn 300 trận cháy rừng lớn nhỏ trong năm 2023.

“Năm nay chúng ta đã chứng kiến nhiều cộng đồng trên khắp thế giới phải hứng chịu hỏa hoạn, lũ lụt và nhiệt độ thiêu đốt. Sức nóng kỷ lục trên toàn cầu sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải rùng mình” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres ra thông điệp video kêu gọi các lãnh đạo thế giới cam kết hành động khẩn cấp cứu khí hậu.

Năm 2024 sẽ phức tạp hơn?

Theo ghi nhận của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tháng 9, năm 2023 chứng kiến một mùa hè nóng nhất lịch sử. Nhiều nơi trên thế giới chịu mức nhiệt cao chưa từng thấy.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), hơn 95% khả năng El Ninõ sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa đông và sang mùa xuân năm 2024. Nhiều đại dương đang ấm lên và xu hướng này có thể kéo dài đến mùa thu năm 2024.

Theo các nhà khoa học, dưới tác động của El Ninõ và hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhiệt độ trong năm 2024 có thể chạm kỷ lục mới.

Trả lời hãng thông tấn Anadolu Agency, bà Sarah Kapnick, nhà khoa học trưởng tại NOAA, cho rằng El Ninõ sẽ đạt đỉnh điểm vào mùa đông và thường khiến nhiệt độ toàn thế giới tăng trung bình 0,1 độ. “Năm 2024 đang trên đà trở thành một năm phá kỷ lục về nhiệt độ. Nếu nhìn vào những gì đang xảy ra, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến thế giới nóng lên đáng kể trong năm 2024” - bà Kapnick dự báo.

Cơ quan Dịch vụ thời tiết Anh (Met Office) cũng cho rằng nhiệt độ trong năm 2024 sẽ vượt qua năm 2023 và sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2024 được dự báo là tăng từ 1,34°C đến 1,58°C so với mức nhiệt độ trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Bà Kapnick dự đoán với nhiệt độ tăng cao thì năm 2024 thế giới có thể phải chứng kiến các đợt nắng nóng cũng như các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Cụ thể hơn, theo trang tin Politics Today, nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - một cơ quan thuộc Liên hợp quốc cảnh báo rằng các đợt nắng nóng trong thời gian tới có thể gây ra các đợt hạn hán dữ dội và kéo dài hơn.

Đài Euro News cảnh báo rằng sự kết hợp giữa El Ninõ mạnh ở Thái Bình Dương và sự thay đổi nhiệt độ mạnh ở Ấn Độ Dương có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nắng nóng và hạn hán trên khắp nước Úc và Đông Nam Á trong năm 2024. Các hiện tượng nắng nóng này là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng và khô hạn tại khu vực. Riêng Ấn Độ khả năng sẽ ít mưa hơn, vì El Ninõ kéo dài làm suy yếu gió mùa.•

“Chúng ta không thể quay trở lại khí hậu của thế kỷ 20”

Dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ghi nhận đến cuối tháng 10 cho thấy nhiệt độ trong năm 2023 tăng khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đưa năm 2023 trở thành năm nóng nhất lịch sử. Nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu phá kỷ lục liên tiếp trong những tháng mùa hè, trong khi lượng băng biển ở Nam Cực giảm thấp đáng quan ngại, theo hãng thông tấn UPI.

“Mức khí nhà kính đang cao kỷ lục. Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục. Mực nước biển dâng cao kỷ lục. Băng biển ở Nam Cực thấp kỷ lục” - Tổng Thư ký WMO Jukka Petteri Taalas nêu thực tế.

Ông Taalas cảnh báo rằng các con số mà WMO ghi nhận không chỉ là số liệu thống kê mà là mối đe dọa khí hậu toàn cầu.

“Đây không chỉ là số liệu thống kê. Chúng ta có nguy cơ thua cuộc trong cuộc đua cứu sông băng và kiềm chế mực nước biển dâng. Chúng ta không thể quay lại khí hậu của thế kỷ 20 nhưng chúng ta phải hành động ngay bây giờ để hạn chế những rủi ro về khí hậu ngày càng khắc nghiệt trong thế kỷ này và các thế kỷ sắp tới” - ông Taalas kêu gọi.

HỒNG SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-1-nam-nhieu-thien-tai-lieu-thoi-tiet-sap-toi-co-on-hon-post769390.html