Sau 2 năm Taliban cầm quyền, Afghanistan thế nào?
Phong trào Taliban vừa đánh dấu mốc 2 năm tiến vào Thủ đô Kabul, chính thức trở lại nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm bị Mỹ và phương Tây lật đổ và truy quét. Một kỷ nguyên mới của đất nước từng được hứa hẹn, nhưng sau 2 năm, những kỳ vọng đang thế nào?
Chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn đã không đủ khả năng tự lực điều hành đất nước, sau khi Mỹ và đồng minh phương Tây rút quân khỏi quốc gia này. Sự tan rã chóng vánh của chính quyền giàu có, hào nhoáng nhưng yếu kém đã mở đường cho Taliban dễ dàng trở lại quyền kiểm soát đất nước chỉ trong thời gian đếm bằng ngày.
Thời điểm này 2 năm trước, việc Afghanistan được điều hành bởi một chính quyền Hồi giáo cực đoan làm dấy lên lo ngại về sự ổn định và phát triển. Song cũng có nhiều luồng dư luận tin tưởng rằng, phiên bản Taliban 2.0 sẽ tiến bộ đáng kể so với lần cầm quyền 20 năm trước. Đất nước sẽ có những bước phát triển thực chất, tự lực, tự cường thay vì sống tầm gửi thế lực bên ngoài.
Trong 2 năm qua, việc Afghanistan không có được sự tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu, khi đất nước hiện hữu đống tàn tro của 2 thập kỷ bất ổn, lại đúng vào thời điểm toàn cầu và khu vực biến động suy yếu mang tính lịch sử, tác động nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống kinh tế yếu ớt của quốc gia này. Giới quan sát nhận định, tình hình ở Afghanistan thậm chí còn tồi tệ hơn trên nhiều khía cạnh so với lần đầu tiên Taliban cầm quyền.
Một điều dễ thấy là tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ. Ước tính có 28,8 triệu người, tương đương một nửa dân số rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, hơn nửa triệu người dân đã gia nhập vào con số này.
Lý giải từ giới quan sát cho hay, yếu tố quan trọng tạo nên thảm họa nhân đạo khi Taliban 2.0 điều hành đất nước là do bị thế giới cô lập, bị cắt hết các khoản viện trợ và vốn vay phát triển, cũng như bị phong tỏa tài sản của quốc gia này ở các ngân hàng trên thế giới.
Đồng thời, các ngành kinh tế, công nghiệp trong nước ở giai đoạn chuyển đổi thể chế đều rơi vào cảnh đình đốn; thiên tai liên tiếp khiến nông nghiệp mất mùa, thiếu hụt... Đó cũng là những căn nguyên khiến Afghanistan thiếu lương thực trầm trọng, người dân suy dinh dưỡng, thiếu thốn chăm sóc y tế, bệnh tật tràn lan... Đánh giá của Liên hợp quốc mới đây cho thấy, sau 2 năm Taliban cầm quyền, Afghanistan đã lọt vào danh sách những quốc gia có thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Ở góc độ khách quan, giới chuyên gia lưu ý rằng, cần tách bạch rõ các khái niệm, quan điểm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 2 năm, Taliban không phải “thủ phạm” gây ra thảm họa hiện hữu của đất nước. Song Taliban không thể phủ nhận trách nhiệm với cách thức điều hành đất nước có những vấn đề nan giải khiến cuộc khủng hoảng không những không tìm thấy lối thoát, mà còn thêm phần trầm trọng.
Ngoài ra, an ninh ở Afghanistan cũng là điều được quốc tế quan tâm bậc nhất. Lời hứa chống khủng bố của Taliban đã không đi kèm với những hành động cho thấy hiệu lực trên thực tế. Đặc biệt, lãnh thổ Afghanistan vẫn đang là nơi khủng bố ẩn náu, điều trái ngược với các cam kết, thỏa thuận của chính quyền Taliban thời điểm trước và trong khi nắm quyền đất nước.
Báo cáo từ các tổ chức quốc tế cho thấy, hàng loạt nhóm khủng bố “cộm cán” vẫn hoạt động tại Afghanistan, như: Al-Qaeda, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tehreek-e-Taliban (TTP)... Đi kèm với đó là hàng loạt vụ tấn công gây nhức nhối toàn khu vực và quốc tế.
Giới chuyên gia đánh giá, 2 năm là một chặng đường không đủ dài để có thể đánh giá chính xác tương lai của đất nước, song đây là khoảng thời gian đủ để phần nào thể hiện được bước đà khởi động của một chính quyền mới. Nếu như 2 năm trước, Taliban có được những kỳ vọng, thì đến nay, hầu như mọi niềm tin đều không được hiện thực hóa cơ bản, thậm chí ở nhiều góc độ còn làm trái với những điều mà quốc tế trông chờ. Từ đó, chế độ này sẽ ngày càng khó khăn trên chặng đường tìm kiếm sự công nhận của quốc tế.