Sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP: Gia tăng áp lực lên doanh nghiệp

Sau 2 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tác động tích cực đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng do lực cản đến từ chính năng lực nội tại của các DN. Đây là nội dung đáng chú ý tại hội thảo “Hai năm thực thi CPTPP tại Việt Nam – đánh giá góc nhìn từ DN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7/4.

Tăng trưởng xuất khẩu chưa như kỳ vọng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ở năm đầu tiên thực thi CPTPP (năm 2019), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong khối đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 26 - 36%. Năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu sang 6 nước duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD, tăng 12%. Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng trên cho thấy, CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động tích cực.

 Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh:Lâm Khánh

Xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh:Lâm Khánh

Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang phân tích, có 2 thị trường nổi lên trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP là Canada và Mexico. Xuất khẩu sang Canada năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỷ USD, tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%). Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Mỹ Latinh của Việt Nam khi thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm, xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm.
Tuy nhiên, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP còn thấp. Cụ thể, Nhật Bản 3,1%; Australia 1,9%; New Zealand 1,6%; 1,3% tại Mexico 1,3%; Canada 1,1%; Singapore 1%. So sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP chỉ đạt 7,2%, thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của thế giới trong cùng thời kỳ. Đáng chú ý, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… là những ngành hàng luôn được đánh giá có khả năng tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan khi CPTPP đi vào thực thi, nhưng trên thực tế lại không như vậy.
Trong khi năng lực hấp thụ CPTPP của DN Việt Nam còn thấp, năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn chưa được cải thiện, liên kết giữa các DN trong ngành để tăng năng lực cạnh tranh chưa cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nội lực
Đề cập về các rào cản khi thực thi CPTPP của các DN, báo cáo của VCCI nêu rõ, nhiều DN tự đánh giá sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính DN so với các đối thủ là cản trở chính trong việc hiện thực hóa các cơ hội từ Hiệp định. Bên cạnh đó là các biến động, bất định của thị trường. Đặc biệt là sự thiếu thông tin về các cam kết và những vướng mắc, thiếu linh hoạt trong tổ chức thực thi CPTPP và các FTA của các cơ quan Nhà nước.
Đưa ra giải pháp hỗ trợ DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Các hoạt động này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các DN nhỏ, siêu nhỏ. “DN cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh bắt đầu từ nâng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Bởi đây là chìa khóa để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập các FTA nói chung và CPTPP nói riêng” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trên thực tế, những điểm cần khắc phục để tận dụng CPTPP đã được nêu ra từ trước khi hiệp định có hiệu lực, đó là sự chủ động và sức cạnh tranh của DN. Vấn đề này, các bộ, ngành đã phổ biến nhiều nhưng mức độ chủ động của DN còn chưa cao. Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đồng thời, tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp DN nâng cao năng lực.

Về phía DN, cần chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi từ CPTPP, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, nghiên cứu kỹ thị trường, thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng cũng như lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

"Mức độ hiểu biết của DN về CPTPP, có 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định, 25% DN có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 DN mới có 1 DN biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả này cho thấy, với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho DN trong thời gian tới." - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang

"DN khi tham gia CPTPP ngoài những thuận lợi mang lại cần hết sức chuẩn chỉ và đi theo các quy định chung. Đặc biệt, chủ động tìm hiểu các thông tin về thị trường và các quy định về nguồn gốc xuất xứ. Từ đó có sự chuẩn bị về tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực để không bị sụt giảm về sản lượng và chất lượng." - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên Phan Hữu Minh

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sau-2-nam-thuc-thi-hiep-dinh-cptpp-gia-tang-ap-luc-len-doanh-nghiep-415294.html