Sau 25 năm thành lập, quận 7 có đô thị hiện đại, tích cực nhất

UBND quận 7 (TP.HCM) cho biết từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm của UBND TP.HCM cũng như sự chung tay của chính quyền và nhân dân, diện mạo đô thị quận đã có sự chuyển biến theo hướng từ nông thôn qua đô thị.

Thời gian qua, các hoạt động nâng cấp, mở rộng tuyến hẻm, cầu hẻm và các tuyến đường nhỏ hẹp đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền và nhân dân quận 7 nhằm chỉnh trang, thay đổi diện mạo quận. Đây cũng là những hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận 7 (1-4-1997 – 1-4-2022).

Từng bước thay đổi diện mạo

Theo UBND quận 7, từ khi thành lập đến nay trên địa bàn quận đã hình thành các trục giao thông lớn như: Xa lộ Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ), đại lộ Nguyễn Văn Linh; hệ thống cảng chuyên dụng, trung chuyển hàng hóa lưu thông trong và ngoài nước như Bến Nghé, cảng Tân Thuận, cảng Bông Sen; một số cảng chuyên dụng phục vụ nội bộ như cảng rau quả, cảng dầu thực vật…

Diện mạo đô thị quận 7 thay đổi qua 25 năm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Diện mạo đô thị quận 7 thay đổi qua 25 năm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ngoài ra, phát huy sức mạnh từ nhân dân, 10 phường trên địa bàn quận đã tổ chức vớt rác, nạo vét 26 nhánh rạch. Quận đã hoàn thành 20 công trình chuyển hóa các điểm phát sinh rác thành công viên, khu tập luyện thể dục thể thao. Những hoạt động đó góp phần làm xanh - sạch môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và bảo vệ môi trường sống của người dân.

Ông Trần Hiếu Giang (phường Bình Thuận, quận 7) vui mừng cho biết: Từ một bãi đất trống trên đường số 53, phường Bình Thuận thường xuyên bị đổ trộm rác, nơi tụ tập người nghiện ma túy… nay đã trở thành một công viên với nhiều dụng cụ tập thể dục.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết: Đến nay quận đã có các cảng, khu chế xuất, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và các đường giao thông được kết nối đồng bộ.

“Hiện nay, quận luôn hướng về cơ sở bằng cách xây dựng hạ tầng để đảm bảo đời sống của người dân, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường” - ông Thành cho biết.

Chính quyền và nhân dân cùng làm

Dấu ấn của quận 7 cũng phải kể đến hàng loạt công trình, dự án mang tính chất kết nối giữa chính quyền và nhân dân cùng làm. Trong đó, quận 7 đã huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa triển khai thực hiện và hoàn thành đầu tư mở rộng ba cây cầu, tổng kinh phí khoảng gần 11 tỉ đồng.

Không ít hộ dân đã hiến đất để mở rộng hẻm, cầu trong hẻm. Trong đó, không ít con hẻm chỉ rộng từ 2,5 m đã được mở rộng lên 4,5 m hoặc từ 3 m được nâng cấp lên 6 m. Ước tính, giá trị đất mà người dân hiến khoảng 100 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho hay 25 năm qua, quận 7 đã phát triển toàn diện về thương mại, dịch vụ. Rõ nét nhất là sự chuyển đổi từ nông thôn qua đô thị.

Minh chứng cụ thể nhất là trước thành lập quận chỉ thu được 63 tỉ đồng, đến nay ngân sách quận đã thu được 4.052 tỉ đồng. Điều đó đã chứng minh được giá trị, nguồn thu ngân sách và mức thu nhập bình quân của người dân đang được tăng lên.

Ông Thành cho biết sau khi khảo sát hàng loạt tuyến đường - hẻm, Đảng bộ quận 7 đã quyết định thực hiện công trình trọng điểm là nâng cấp mở rộng hẻm. Trong đó, khu phố, tổ dân phố thực hiện nâng cấp theo chủ trương quận làm đường, cầu; phường làm hẻm; khu phố nâng cấp hẻm theo hiện trạng.

Với các mục tiêu trên, quận 7 mong muốn đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cấp cứu cho người dân trên địa bàn. Bởi khi mở rộng hẻm, các xe cứu thương, chữa cháy có thể tiếp cận được tận nhà dân.

Từ yếu tố đó, Quận ủy, UBND quận 7 đã quyết định nâng cấp, huy động mọi nguồn lực kinh tế và xã hội trên địa bàn để tiến hành nâng cấp hàng loạt tuyến hẻm. Nhận được sự đồng thuận của người dân, hệ thống chính trị vào cuộc, hàng loạt tuyến hẻm được nâng cấp, mở rộng.

“Để có thành công như hôm nay thì cần có sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất, di dời vật kiến trúc… Từ đó, chúng ta có những tuyến hẻm phục vụ cho người dân trên địa bàn” - ông Thành thông tin.

Theo ông Thành, UBND quận cũng có nhiều chính sách hỗ trợ thủ tục xây dựng, di dời điện, nước, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng nước… để người dân an tâm, đồng lòng cùng chính quyền.

Trong năm 2021, quận 7 đã mở rộng được ba cầu, hai tuyến đường và 11 tuyến hẻm. Năm 2022, quận 7 sẽ nỗ lực mở rộng hai cây cầu, một tuyến đường và 11 tuyến hẻm” - ông Thành cho biết.

Mục tiêu trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền quận 7 sẽ nỗ lực phấn đấu để trở thành quận trung tâm ở phía nam TP. Đồng thời, quận cũng xây dựng các đề án kinh tế, nhằm đưa quận trở thành nơi đáng sống của khu vực.•

Dân số quận 7 khi mới thành lập chỉ có 90.920 người (mật độ 2.542 người/km2), đến nay đã lên 312.931 người (mật độ 6.785 người/km2).

Phú Mỹ Hưng - đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước

Nằm ở phía nam của TP.HCM, là cửa ngõ vào các quận trung tâm, quận 7 đã luôn tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh này.

Điểm nổi bật là quận 7 đã hình thành những khu đô thị mang dấu ấn như Phú Mỹ Hưng. Đây là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận.

Không chỉ vậy, hằng năm tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như hội chợ hoa xuân, đêm nhạc, tuần lễ văn hóa… Các hoạt động đã mang lại sân chơi về tinh thần và thể chất cho người dân quận 7 nói riêng, TP.HCM nói chung.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/sau-25-nam-thanh-lap-quan-7-co-do-thi-hien-dai-tich-cuc-nhat-1051414.html