Sau 3 tháng triển khai, Bộ Công an đã cấp gần 9,6 triệu thẻ căn cước

Từ 1/7 đến 7/10, Bộ Công an đã cấp cho 9,58 triệu thẻ căn cước, trong đó có hơn 3,17 triệu cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu cho trẻ em từ 6 đến14 tuổi; 2,38 triệu cho người đủ 14 tuổi trở lên.

Người dân thực hiện cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử tại Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Người dân thực hiện cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử tại Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về Luật Căn cước mới được triển khai. Theo ông, đây là luật có nhiều đổi mới không đơn giản là chỉ thay đổi cái tên, bao gồm các nội dung, như: Thay đổi cấu trúc căn cước, bổ sung đối tượng cấp căn cước là có cả trẻ em, bổ sung dữ liệu sinh trắc học, ADN…

Người phát ngôn Bộ Công an cho hay từ 1/7/2024 đến 7/10/2024, Bộ Công an đã cấp cho 9,58 triệu thẻ căn cước, trong đó có hơn 3,17 triệu cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu cho trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi; 2,38 triệu cho người đủ 14 tuổi trở lên trên toàn quốc. Công nhận 1.500 dữ liệu sinh trắc học, giọng nói, thu nhập hơn 260 mẫu AND.

“Sau 3 tháng triển khai, tiến độ cấp căn cước đảm bảo tiến độ và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân,” Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói.

 Đại diện Bộ Công an thông tin tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện Bộ Công an thông tin tại họp báo Chính phủ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên quan tới Luật dữ liệu (sửa đổi) có đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin Luật Dữ liệu là luật mới Bộ Công an đang triển khai thực hiện. Mục đích của Luật này nhằm quán triệt quan điểm về dữ liệu, đặc biệt là phục vụ cho công tác chuyển đổi số; tạo sự thống nhất và đồng bộ trong việc sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước trước mắt và lâu dài. Việc triển khai sàn giao dịch dữ liệu này nhằm phát triển chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn dữ liệu quốc gia, thúc đẩy kinh tế Số…

Riêng về quy định thành lập sàn giao dịch dữ liệu, Bộ Công an đang triển khai để trình Chính phủ và Quốc hội. Về sàn giao dịch dữ liệu, trên thế giới có rất nhiều sản phẩm dịch vụ dữ liệu xu hướng phát triển ngày càng mở rộng gắn với nền kinh tế. Các hoạt động xã hội như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích tổng hợp dữ liệu… đều có cơ chế.

Tuy nhiên, theo ông, nước ta chưa có cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch dữ liệu. Do vậy trong dự thảo Luật Dữ liệu của Bộ Công an có đề xuất vấn đề này để góp phần thực tiễn pháp luật thị trường dữ liệu, để đẩy mạnh các sản phẩm liên quan đến dữ liệu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế, phương thức giao tiếp… giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, xã hội trên môi trường số.

“Đây là quy định rất mới nên cần có cơ chế linh hoạt trong quá trình trình Chính phủ xem xét nghiên cứu của Bộ Công an. Chúng tôi thống nhất theo hướng từng khung và Chính phủ cho ý kiến cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện từ công tác bảo vệ an ninh an toàn, dữ liệu nào được giao dịch, dữ liệu nào không được giao dịch, các điều kiện giao dịch dữ liệu,” Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sau-3-thang-trien-khai-bo-cong-an-da-cap-gan-96-trieu-the-can-cuoc-post981703.vnp