Công trình xanh Việt Nam - hội tụ đủ tiềm năng và lợi thế

Đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt được khoảng gần 500 công trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.

Kết quả đạt trên có được nhờ những điều kiện thuận lợi từ chủ trương, cơ chế chính sách của nhà nước, sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế... Đây là một trong những ghi nhận của đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng tại Phiên toàn thể sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, với hơn 1.000 đại biểu từ các cơ quan ban ngành, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế đến tham dự.

Tập trung nhiệm vụ phát triển công trình xanh

Các công trình xanh đang ngày càng được chú trọng phát triển và trở thành chiến lược chung của quốc gia. Phát biểu tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”.

 Ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: Phuc Khang Corporation

Ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: Phuc Khang Corporation

Một số nhiệm vụ được thực hiện gắn liền với sự phát triển của công trình xanh như: Nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nội dung quy định khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP; Tiêu chí về công trình xanh cũng được đưa vào Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH14 áp dụng trong đánh giá, phân loại đô thị; Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở bổ sung tiêu chí sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, công trình xanh cũng đã được đưa vào trong quá trình xem xét, đánh giá, phân hạng nhà chung cư…

Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, tiềm năng giảm phát thải ngành Xây dựng giai đoạn năm 2021 đến năm 2030 với nguồn lực thực hiện trong nước là 132,26 triệu tấn CO2tđ; với nguồn hỗ trợ quốc tế là 238,11 triệu tấn CO2tđ.

 PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng. Ảnh: Phuc Khang Corporation

PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng. Ảnh: Phuc Khang Corporation

Nói thêm về tiêu chí công trình xanh trong Nghị định 95/2024/NĐ-CP, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) phân tích: “Các quy định này mang đến các ý nghĩa tích cực như: Khuyến khích tiêu chuẩn xanh; Tăng giá trị tài sản vì tạo động lực cho các nhà đầu tư tập trung vào phát triển các công trình xanh; Tiết kiệm chi phí vận hành; Tạo cơ hội cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ xanh; Nâng cao nhận thức cộng đồng; Khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn vì vì nhiều quỹ đầu tư hiện nay ưu tiên tài trợ cho các dự án bền vững”.

Như thế có thể thấy công trình xanh ngày càng được quan tâm và chú trọng phát triển tại Việt Nam. Với sự đồng lòng, quyết tâm cao công trình xanh sẽ có bước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa và số lượng các địa phương trong cả nước có công trình xanh cũng sẽ mở rộng hơn.

Tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư công trình xanh

Theo CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - người có nhiều năm nghiên cứu và tâm huyết với việc phát triển công trình xanh Việt Nam, cũng là người trực tiếp lãnh đạo Nhà phát triển công trình xanh tiên phong Phuc Khang Corporation - khẳng định: “Tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) xanh tại thị trường Việt Nam thời điểm này cũng như trong giai đoạn sắp tới khá rộng mở với nhiều cơ hội hấp dẫn, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa đóng góp vào phát triển bền vững. Các nhà đầu tư tập trung vào tính bền vững của BĐS xanh không chỉ có thể đóng góp vào các mục tiêu về môi trường mà còn tận dụng xu hướng thị trường đang phát triển”.

 CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation chia sẻ tại tọa đàm Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2024. Ảnh: Phuc Khang Corporation

CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation chia sẻ tại tọa đàm Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2024. Ảnh: Phuc Khang Corporation

Nữ thuyền trưởng Phuc Khang Corporation cũng phân tích các lý do để BĐS xanh tại thị trường Việt Nam lên ngôi gồm có: công trình xanh ngày càng phát huy vai trò và tầm quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế xanh; Nhu cầu sống xanh - bền vững ngày càng tăng, người tiêu dùng và nhà đầu tư ngày càng ưu tiên các sản phẩm BĐS thân thiện với môi trường; BĐS xanh thường tiêu thụ ít năng lượng hơn, giảm chi phí vận hành, có giá trị cao hơn và dễ bán hơn trên thị trường; Chính phủ Việt Nam đang có nhiều hành động đồng bộ để thúc đẩy phát triển công trình xanh; Xu hướng đối tác quốc tế đầu tư vào BĐS xanh đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu…

Phuc Khang Corporation sớm tiếp cận và nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của công trình xanh nên đã tiên phong trở thành nhà phát triển công trình xanh chuẩn mực quốc tế dẫn đầu tại Việt Nam. Doanh nghiệp đã chọn công trình canh như một phương tiện quan trọng để làm ra những sản phẩm tốt, đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, lan tỏa tinh thần sống xanh cho mọi người và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước.

Trong suốt 15 năm hình thành và phát triển, Phuc Khang Corporation luôn kiên định với sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.

Thanh Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-trinh-xanh-viet-nam-hoi-tu-du-tiem-nang-va-loi-the-2329653.html