Sau 4 năm, TP.HCM giảm gần 200 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục

Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chưa được quan tâm đúng mức.

Tháng 4/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, báo cáo tình hình thực hiện chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo này, tính đến ngày 31/12/2023, toàn thành phố có 301 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (32 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp, 49 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 180 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

So với cùng thời điểm cách đó 4 năm, thì số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn thành phố đã giảm 177 cơ sở (từ 478 cơ sở vào năm 2019 giảm xuống còn 301 cơ sở).

Công tác tuyển sinh trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn thành phố đạt 803.444 người học trên tổng số hơn 2 triệu người học nghề, chiếm 39,48% tổng quy mô tuyển sinh.

Công tác theo dõi, quản lý dữ liệu người học được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận.

Một số nghề thuộc lĩnh vực y tế như: Điều dưỡng, Dược sĩ, Y sĩ trình độ trung cấp được các cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Đại biểu nhân dân

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của thành phố có 7.929 người, trong đó có 7.862 người công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, và có 67 người hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài.

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, số nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là 7.929 người, chiếm tỷ lệ 49,64% tổng số nhà giáo.

Có gần 20% các cán bộ quản lý, nhà giáo đang hoạt động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có trình độ đại học, gần 15% có trình độ trên đại học.

Cũng theo báo cáo, quỹ đất sạch dành cho giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố không nhiều, đa phần được sử dụng cho các dự án xây dựng trường đại học, trường trung học phổ thông nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có điều kiện để tiếp cận, để được giao đất hay cho thuê đất.

Phần nhiều các dự án trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn, thành lập trường, dẫn đến diện tích đất chưa đảm bảo theo quy định, hoặc một đơn vị lại có nhiều cơ sở đào tạo.

Vướng mắc trong chính sách xã hội hóa ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chủ yếu là chính sách đất đai.

Bên cạnh việc khó tiếp cận với quỹ đất có quy hoạch đất giáo dục, thì việc tiếp cận đối với các cơ sở nhà đất có nguồn gốc nhà, đất đang trong tình trạng không sử dụng cũng gặp khó khăn, vì các quy định trong quản lý và sử dụng tài sản công.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chưa được các đơn vị dành sự quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, việc xác định ngành, nghề mũi nhọn, trọng tâm cũng chưa được các đơn vị quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng lãng phí, xuống cấp ở một số ngành nghề đã tập trung đầu tư, nhưng lại không tuyển sinh được.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục quan tâm thực hiện, do đó, chưa nâng cao uy tín trong hoạt động đào tạo nghề, không tạo được các lợi thế cạnh tranh trong công tác tuyển sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.

Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra 7 giải pháp khuyến khích xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục cho đến năm 2025, gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công và ngoài công lập được chủ động liên kết ở nhiều hình thức, mức độ để nâng cao khả năng thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo.

Xây dựng khung chính sách, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, chất lượng cao, hệ thống chính sách gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường tuyên truyền về vai trò, chính sách xã hội hóa trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá, tư vấn tuyển sinh, đưa thông tin, hình ảnh của trường đến với phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp và xã hội.

Mở rộng hợp tác quốc tế, các mối liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên; xây dựng chương trình đào tạo có sự tham gia đánh giá, góp ý của doanh nghiệp; giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; thực hiện chương trình đào tạo theo hình thức đặt hàng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Phát triển chiến lược quy hoạch đất đai linh hoạt và hiệu quả, để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo đủ diện tích đất theo quy định.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất cùng tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Đối với các Bộ, ngành trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị xây dựng, hướng dẫn, cụ thể hóa cơ chế, chính sách cho thuê đất, giảm thuế, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nhằm đảm bảo quy định về xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.

Đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng đối với các đối tác nước ngoài.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-4-nam-tphcm-giam-gan-200-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-tu-thuc-post242511.gd