Sau 5 năm lại bàn chuyện cấm điện thoại trong lớp học
Từ năm 2020, khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho phép học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sử dụng điện thoại trong lớp học nếu được giáo viên đồng ý, nhiều người từng kỳ vọng đó sẽ là một bước tiến trong việc tích hợp công nghệ vào giáo dục.

Dùng điện thoại trong lớp học - bài toán khó về so tính lợi và hại. Minh họa: TTTĐ
Được sử dụng điện thoại, học sinh có thể tra cứu bài học nhanh hơn, ghi âm bài giảng, chụp tài liệu, học online... tất cả tưởng chừng là sự mở ra của một nền giáo dục hiện đại.
Thế nhưng, sau 5 năm nhìn lại, bức tranh không hẳn là màu hồng.
Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tính đến việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường, thậm chí không cho dùng ngay cả trong giờ ra chơi trừ khi có yêu cầu học tập từ giáo viên.
Một bước lùi? Không. Đó là một bước lui cần thiết khi thực tế cho thấy những gì tưởng là tiện lợi đang dần trở thành mối nguy âm thầm.
Khi học sinh lén lút nhắn tin dưới bàn, còn phụ huynh thì bất lực ở nhà
Một thầy giáo cấp Trung học phổ thông chia sẻ: "Lớp học 45 em, tôi vừa giảng vừa phải quan sát liên tục. Vậy mà vẫn có em lén lút nhắn tin dưới bàn, hoặc giả vờ ghi chép trong khi mắt thì đang dõi theo... màn hình nhỏ".
Có lần, thầy phát hiện nhóm học sinh nhắn tin hẹn nhau sau giờ học để "tỉ thí" với lớp khác ngay trong tiết Toán. Thầy lắc đầu: "Điện thoại được cho dùng khi phục vụ học tập, nhưng thực tế là nhiều em đang dùng nó để trốn khỏi học tập".
Ở nhà, tình trạng còn đáng lo hơn. Một phụ huynh thẳng thắn nói: "Con tôi từ lúc đi học về cho đến lúc ngủ, chỉ rời điện thoại khi đi tắm. Không trò chuyện với ai. Ăn cũng một tay cầm muỗng, tay kia vẫn cầm máy. Nếu lên trường mà tiếp tục được phép dùng điện thoại, tôi e con sẽ lún sâu hơn, không cách nào kéo ra được."
Lạm dụng điện thoại, một hành vi nhỏ, hệ quả lớn
Khi học sinh quá quen với việc "tra Google lấy đáp án", các em sẽ không còn động lực để suy nghĩ, phân tích, ghi nhớ. Khi các em quen chơi một mình với chiếc điện thoại trong giờ ra chơi, các em sẽ dần đánh mất kỹ năng giao tiếp, kết nối, hợp tác.
Những kỹ năng xã hội tưởng chừng đơn giản như bắt chuyện với bạn, xin lỗi sau một hiểu lầm nhỏ, hay cùng nhau chia sẻ một trò chơi dân gian… đang dần biến mất khỏi sân trường.
Không chỉ thế, việc sử dụng điện thoại liên tục khiến khả năng tập trung của học sinh bị phân mảnh. Các em quen với nội dung ngắn, nhanh, lướt qua, chạm rồi bỏ nên rất khó để ngồi yên lắng nghe một bài giảng kéo dài 45 phút. Càng ngày, sự kiên nhẫn một phẩm chất quý giá trong học tập càng trở nên xa xỉ.
Và rồi, một thế hệ lớn lên với thói quen cúi mặt, rời xa ánh nhìn thật sẽ là một thế hệ giỏi thao tác, giỏi "quét màn hình", nhưng dễ trống rỗng trong tâm hồn, dễ bối rối trong giao tiếp đời thường, dễ gãy đổ trước áp lực thực tế.
Ở nhiều trường, giờ ra chơi không còn học sinh nào bước ra khỏi lớp. Các em ngồi im lặng, dán mắt vào màn hình, không ai nói chuyện với ai, không ai đọc sách, không ai chơi đùa. Thư viện vắng bóng học trò. Sân trường nơi từng rộn ràng tiếng cười giờ trở nên im lìm đến lạ thường.
Có em vào lớp nhưng mắt vẫn lơ đãng, tâm trí dường như đang ở một thế giới khác nơi bạn bè là avatar, cuộc trò chuyện là tin nhắn, cảm xúc là icon.
Giáo viên không thể làm ngơ khi tuổi thơ học trò đang bị bóp nghẹt bởi công nghệ
Là giáo viên, tôi chọn đứng về phía "cấm điện thoại trong trường học". Tôi không phủ nhận điện thoại có thể là công cụ học tập nếu được hướng dẫn đúng cách. Nhưng khi phần lớn học sinh chưa đủ bản lĩnh để kiểm soát chính mình, thì việc cấm không phải là cực đoan mà là sự bảo vệ chính các em.
Chúng ta có thể dạy các em dùng điện thoại thông minh nhưng trước hết, phải dạy các em sống thông minh đã. Muốn vậy, trường học cần là nơi không có điện thoại, để thầy cô nhìn thấy ánh mắt học trò, để các em được sống thật với lứa tuổi, với bạn bè, với chính mình.