Sau 61 năm, Trump một lần nữa đưa JFK trở thành tâm điểm truyền thông

Vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (JFK) năm 1963 và những thuyết âm mưu xoay quay vụ việc một lần nữa 'nóng lên' sau khi ông Trump ký sắc lệnh công bố toàn bộ hồ sơ liên quan.

 Tổng thống John F. Kennedy trong ngày diễn ra thảm kịch. Ảnh: History.

Tổng thống John F. Kennedy trong ngày diễn ra thảm kịch. Ảnh: History.

Hơn 61 năm trước, JFK đã bị ám sát tại Dallas, Texas (22/11/1963) - một thảm kịch gây chấn động nước Mỹ và để lại nhiều câu hỏi cho đến tận hôm nay.

Hàng trăm cuốn sách đã được viết về vụ việc cùng với nhiều bộ phim và phim tài liệu, chưa kể những thông tin nhỏ lẻ vẫn tiếp tục xuất hiện về bi kịch của vị chính khách trẻ tuổi nhất từng đắc cử tổng thống Mỹ.

Tâm điểm của truyền thông

Theo USA Today, việc JFK bị sát hại là một trong những sự kiện truyền thông đầu tiên thu hút sự chú ý của toàn xã hội Mỹ. Toàn nước Mỹ theo dõi từng phút tường thuật trên truyền hình vào ngày xảy ra vụ việc và những ngày sau đó. Và với tỷ lệ phủ sóng truyền hình lớn tại Mỹ (tính đến năm 1960, 90% hộ gia đình tại Mỹ có tivi, theo Thư viện Quốc hội Mỹ), không khó hiểu khi truyền thông về sự kiện này khiến nước Mỹ chìm trong nỗi kinh hoàng theo cách chưa từng có trong quá khứ.

Những tin tức được phát vào thời điểm đó cho đến nay vẫn nhận được nhiều sự quan tâm. Vào tháng 9/2024, một đoạn clip dài 10 giây về đoàn xe hộ tống của Kennedy chạy nhanh trên xa lộ Dallas hướng đến Bệnh viện Parkland sau khi ông bị thương nặng đã được phát hiện. Đoạn phim này, sử dụng phim màu 8 mm, được đấu giá với con số 137.500 USD vào ngày 28/9/2024.

 Báo chí Mỹ thế kỷ trước đưa tin về vụ ám sát JFK. Ảnh: USA Today.

Báo chí Mỹ thế kỷ trước đưa tin về vụ ám sát JFK. Ảnh: USA Today.

“Các hình ảnh, bộ phim và nội dung liên quan (đến vụ ám sát JFK) vẫn tồn tại đâu đó. Chúng vẫn đang được phát hiện trong các gác xép hoặc nhà để xe", Stephen Fagin, người phụ trách Bảo tàng The Sixth Floor tại Dealey Plaza, thông tin với CBS News. Bảo tàng này nằm bên trong tòa Texas Book Depository cũ, nơi thủ phạm Lee Harvey Oswald sử dụng để bắn tỉa JFK.

Sau nhiều thập kỷ, vẫn có nhiều sự kiện được tổ chức trên khắp nước Mỹ để nhắc công chúng về thảm kịch năm 1963. Có thể điểm qua một số như việc trình bày các tài liệu và phim tại một thư viện nhỏ ở New Jersey, các cuộc triển lãm và việc công bố các báo cáo điều tra của FBI do Columbus Dispatch thực hiện.

Nhiều trường đại học cũng đã mở các lớp học về vụ ám sát trong nhiều năm qua. Tại Cao đẳng cộng đồng Oakland ở Auburn Hills, Michigan, "Chủ đề lịch sử: Vụ ám sát JFK" đã là một môn học chính trong hơn ba thập kỷ.

Nhiều hồ sơ liên quan vẫn được bảo mật

Trong khi công chúng rất quan tâm tới sự kiện này, việc một số thông tin liên quan cho đến nay vẫn được chính quyền Mỹ kiên trì bảo mật đã dấy lên nhiều sự chỉ trích.

Hiện tại, hơn 14.000 tài liệu mật liên quan đến vụ ám sát Kennedy vẫn chưa được tiết lộ, động thái rõ ràng đã vi phạm Đạo luật thu thập hồ sơ ám sát John F. Kennedy năm 1992. Theo đạo luật này, hồ sơ về vụ ám sát JFK phải được công bố trong vòng 25 năm kể từ ngày vụ việc diễn ra. Hạn cuối theo văn bản này là năm 2017 - trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Theo Aljazeera, trong khi ông Trump đã công bố thêm 2.800 tài liệu có liên quan, hàng trăm tài liệu khác đã bị đưa vào diện xem xét. Nguyên nhân của hành động này được cho là sức ép từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) với quan ngại về an toàn của các nguồn tin.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, năm 2023, thêm 17.000 tài liệu đã được công bố, tuy nhiên, vẫn còn 4.684 tài liệu nằm trong diện bảo mật một phần hoặc hoàn toàn.

Loạt thuyết âm mưu nổi lên?

Sự tồn tại của các hồ sơ mật trong suốt nhiều năm đã dấy lên nhiều đồn đoán và các thuyết âm mưu. Theo Economic Times, kể từ sau vụ ám sát, một bộ phận đáng kể công chúng đã nghi ngờ những thông tin được công bố chính thức. Trong đó, nhiều người tin rằng Lee Harvey Oswald không hành động một mình.

"Tôi chỉ là một kẻ thế mạng!" Oswald nói trong một đoạn video được ghi lại sau khi bị bắt tại trụ sở cảnh sát Dallas. Nhiều người cho rằng Oswald tự nhận bản thân chỉ là “vật tế thần”.

 Lee Harvey Oswald bị nghi ngờ không chỉ hành động một mình. Ảnh: AP.

Lee Harvey Oswald bị nghi ngờ không chỉ hành động một mình. Ảnh: AP.

Các tài liệu được công bố nhiều năm qua cũng cho thấy một số thông tin quan trọng đã bị che giấu để tránh lọt vào diện điều tra của Ủy ban Warren (được thành lập một tuần sau vụ ám sát JFK), ví dụ việc CIA theo dõi Oswald ở Thành phố Mexico vài tuần trước thảm kịch.

Thêm vào đó, kết luận của Ủy ban Warren rằng một viên đạn 6,5 mm duy nhất đã giết chết JFK và làm Thống đốc Connally bị thương cũng đã vấp phải sự nghi ngờ. Nhiều người không tin vào quỹ đạo của viên đạn và cho rằng thật khó tin khi một viên đạn có thể xuyên qua cơ thể của hai người đàn ông trưởng thành.

Nghi ngờ này phần nào có thêm căn cứ khi một đoạn phim về vụ ám sát do nhà sản xuất quần áo Abraham Zapruder quay lại cho thấy cảnh tượng đầu của JFK vỡ ra khi có phát súng thứ hai bắn trúng hộp sọ của ông. Trong nhiều năm, nội dung này không được công bố cho công chúng cho đến khi ABC News phát sóng vào năm 1975.

Việc phát hành bộ phim JFK năm 1991 của Oliver Stone cũng góp phần khơi dậy sự hoài nghi của công chúng. Bộ phim đã tố cáo rằng có sự che đậy trong vụ ám sát JFK, đặc biệt, được nhìn qua góc nhìn của một nhân viên lập pháp. Tiếng vang lớn của bộ phim ra mắt đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật năm 1992. Trong khi đạo luật này muốn xua tan những nghi ngờ bằng việc yêu giải mật toàn bộ tài liệu liên quan, thì cho đến nay, các chính quyền Mỹ đã liên tục trì hoãn việc này.

Trong khi ông Trump đang cho thấy một nỗ lực mới để mang lại sự minh bạch hơn cho sự kiện lịch sử này thì dư luận tiếp tục giữ thái độ lạc quan thận trọng, điều dễ hiểu khi vụ ám sát JFK đã nằm trong diện tranh cãi quá lâu.

Dù vậy, một số người vẫn hi vọng rằng các tài liệu sắp được công bố sẽ phần nào giải quyết được những câu hỏi và nghi ngờ được đặt ra trong suốt nhiều năm qua.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-61-nam-trump-mot-lan-nua-dua-jfk-tro-thanh-tam-diem-truyen-thong-post1527747.html