Sau 78.000 năm, loài người mới biết mặt tổ tiên của mình
Các nhà khoa học thuộc Đại học Hebrew Jerusalem đã tái tạo chân dung tổ tiên loài người từ DNA xương ngón tay có tuổi đời hơn 78.000 năm.
Người Denisovan là một trong những tổ tiên lâu đời nhất của người hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học đã cố gắng tạo ra một bức chân dung hoàn chỉnh nhất về họ từ DNA ngón tay của một thiếu nữ sống cách đây hơn 78.000 năm.
Bộ hài cốt được sử dụng để lấy dữ liệu lấy từ một hang động có tên Denisova ở vùng núi Altai, Siberia. Nó giúp các nhà khoa học hiểu thêm về tổ tiên của loài người. Giống người cổ này được cho rằng đã tuyệt chủng hơn 50.000 năm trước.
Công trình tái tạo chân dung tổ tiên loài người được thực hiện bởi Đại học Hebrew Jerusalem cho thấy người Denisovan trông khá giống với người Neanderthal. Tuy vậy, loài người này có đầu và hàm rộng, nhô ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, tổ tiên hơn 78.000 năm trước của loài người còn có khuôn mặt dài hơn, xương chậu và vòm răng lớn.
Trước đây, các nhà khoa học chỉ biết rằng người Denisovan sống hàng chục nghìn năm trước ở châu Á. Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để trả lời câu hỏi vì sao tổ tiên loài người có thể sống sót trong thời tiết cực lạnh của vùng Siberia.
Theo các nhà khoa học, người Denisovan và người Neanderthal đều được xem là tổ tiên của người hiện đại. Nhiều người trong chúng ta ngày nay đang mang trong mình bộ gen của họ.
"DNA của người Denisovan tồn tại đến ngày nay trong các cư dân ở vùng Thái Bình Dương, Australia và Đông Á", Liran Carmel, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hebrew cho biết.