Sau adayroi, lotte.vn sẽ đến lượt ai đóng cửa?

Thương mại điện tử là một cuộc chơi ngốn tiền kinh khủng, nên chỉ có những doanh nghiệp lớn, đã có các danh mục khác sinh lợi ổn định và có thể trích lãi từ chỗ khác đắp vào mới có thể tiếp tục; còn không thì không thể trụ được lâu.

Tại sao dừng ở thời điểm này?

Ai đã từng làm quản lý doanh nghiệp thì sẽ hiểu. Cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp hoạch định kinh doanh cho năm sau. CEO và HĐQT sẽ phải đánh giá lại tình trạng kinh doanh hiện tại cũng như là triển vọng năm sau của từng danh mục kinh doanh, và sẽ đưa ra quyết định liệu có tiếp tục rót tiền vào bù cho những danh mục lỗ kéo dài hay không.

Những danh mục nào đang tuyên bố chấm dứt kinh doanh ở thời điểm này chính là những danh mục bị lỗ kéo dài, trong khi ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa nhìn thấy tia sáng nào ở cuối đường hầm trong năm sau, nên họ không đưa vào trong kế hoạch kinh doanh năm sau của doanh nghiệp. Và vì không được đưa vào trong kế hoạch kinh doanh, tức là không được phân bổ ngân sách để tiếp tục hoạt động nữa thì phải dừng lại, xem như chấp nhận danh mục đầu tư này bị thất bại.

Tôi đánh giá cao những ai đã đưa ra quyết định ngưng kinh doanh những danh mục lỗ. Họ là người lãnh đạo dũng cảm và có trách nhiệm. Có nhiều trường hợp thì dù thấy không triển vọng gì, không hy vọng gì, nhưng sợ rằng nếu đóng cửa thì tức là chấp nhận thất bại, chấp nhận mình phạm sai lầm, sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, nên một số lãnh đạo sẽ cố kéo dài được chừng nào hay chừng đó, rồi tìm cách giấu bớt chi phí để giảm lỗ trên sổ sách.

Và như thế là tiếp tục gây ra tổn thất cho doanh nghiệp, thay vì ngưng để chuyển vốn và nguồn lực ấy sang một danh mục, lĩnh vực khác có hiệu quả hơn.

Gặp những trường hợp như thế này thì rất khó tư vấn. Quan điểm của chúng tôi là nếu thấy không hiệu quả, cũng không thấy có triển vọng gì trong vài năm đến, thì nên dừng ngay để giảm tổn thất tài chính và đỡ mất thời gian. Coi nguồn lực còn được gì thì chuyển sang làm cái khác, may ra có cơ hội tốt hơn. Còn hơn là để mất vốn rồi, mà nợ nần chồng chất thì làm sao mà làm lại?

Ông Đỗ Hòa - CEO Tinh Hoa Quản Trị

Ông Đỗ Hòa - CEO Tinh Hoa Quản Trị

Ai sẽ nối gót?

Tôi cho rằng sẽ còn một số mạng thương mại điện tử (và cả chuỗi bán lẻ trong nước) tiếp tục đóng cửa chứ chưa dừng ở đây.

Thương mại điện tử là một cuộc chơi ngốn tiền kinh khủng, nên chỉ có những doanh nghiệp lớn, đã có các danh mục khác sinh lợi ổn định và có thể trích lãi từ chỗ khác đắp vào mới có thể tiếp tục. Còn không thì không thể trụ được lâu.

Vấn đề thứ hai đối với bán lẻ nói chung, thương mại điện tử nói riêng là khả năng tiếp cận nguồn cung. Muốn phân phối thương mại, bán lẻ phát triển thì phải gần nguồn cung, và nguồn cung phải cạnh tranh về mặt chất lượng, số lượng lẫn giá thành.

Điểm này thì tôi đã khuyến cáo cách đây nhiều năm khi nhà nước mở cửa biên giới cho hàng tiêu dùng Trung Quốc đổ vào Việt Nam với giá rẻ mạt, khiến ngành sản xuất tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam bị bóp nghẹt. Hệ lụy là các kênh phân phối, bán lẻ của Việt Nam cũng sẽ bị suy yếu về năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phân phối và sản xuất là như răng với môi, đi chung với nhau, yếu anh này thì anh kia yếu theo. Đây là kinh nghiệm mà tôi có được sau 10 năm làm marketing vùng châu Á – Thái Bình Dương. Rất tiếc là những kinh nghiệm quí báu không được khai thác, sử dụng để làm lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Bây giờ, có lẽ do thấy mất kiểm soát ngành phân phối bán lẻ thì đó là một thua thiệt cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, nên nhà nước mới khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển phân phối bán lẻ. Nhưng theo tôi, tình hình đã quá muộn. Lúc này mới nhận ra vấn đề và mới hành động thì đã muộn, sẽ rất khó khăn, vì đã ký nhiều thỏa thuận mở cửa thị trường cho hàng ngoại, doanh nghiệp ngoại vào làm bán lẻ rồi, không rút lại được. Có làm khó họ bằng cách này cách khác thì cũng chỉ có thể kéo dài thêm vài năm thôi.

Mấy năm trước tôi cũng đã đưa ra nhận định rằng, chỉ có mô hình chủ yếu phân phối hàng hóa trong nước sản xuất (chẳng hạn như mô hình Co.op Mart) là có thể tồn tại. Còn những kênh, mạng bán lẻ hướng đến thị trường cao cấp hơn, hoặc những ngành hàng mà Việt Nam không có thể mạnh sản xuất thì về lâu dài sẽ khó mà thành công.

Những kênh, mạng bán lẻ đang kinh doanh trong các ngành phụ thuộc nguồn cung ngoại sẽ bị giảm dần doanh thu trong quá trình hội nhập do yếu tố cạnh tranh. Và cuối cùng sẽ phải nhường sân này lại cho các mạng, chuỗi bán lẻ ngoại. Nếu nhà nước siết về mặt quản lý (chống hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế...) thì họ đóng cửa càng sớm hơn.

Bạn mua một món hàng trị giá có vài chục ngàn đồng Việt Nam trên các mạng bán lẻ của Trung Quốc, cũng được họ vận chuyển và giao đến nhà miễn phí. Tức là họ bán hàng ngoại nhập theo điều kiện hàng nội địa. Mạng bán lẻ nào, doanh nghiệp nào của Việt Nam có thể làm được điều này?

Muốn tồn tại được thì phải có năng lực cạnh tranh. Muốn có năng lực cạnh tranh thì phải có chiến lược lâu dài.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lớn nằm ở chiến lược phát triển (growth strategy), tức là phải có chiến lược danh mục (portfolio strategy) tốt, và có hệ thống quản lý (organization and management system) hữu hiệu.

Còn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ thì chủ yếu nằm ở tầm đơn vị kinh doanh (business level), tức là mô hình kinh doanh (business model) và phương thức tiếp thị (marketing mix).

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Đỗ Hòa, CEO Tinh Hoa Quản Trị.

Đỗ Hòa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/sau-adayroi-lottevn-se-den-luot-ai-dong-cua-1577328160249.htm