Sau ánh đèn sân khấu - Bài 2: Theo gánh hát quê
Có ngồi trong sân đình coi hát bội hay cải lương Hồ Quảng rồi lang thang theo đoàn hát mới hiểu hết cảnh đời sau bức rèm nhung. Chuyện cơm áo nhọc nhằn vốn là lẽ thường tình ở đời, người nghệ sĩ cũng phải thế thôi. Nhưng nghiệp sân khấu lắm lúc bạc đến đau lòng, khán giả vỗ tay đó rồi lại bĩu môi đó, khi cô đào, ông kép đã tuổi về già...
Khóc cười ở sân đình
Lễ Kỳ Yên đình Tân Khánh (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), gánh hát tuồng cổ xây chầu hát cúng thần lúc 3 giờ sáng nhưng vẫn có gần 20 khán giả ngồi coi. Với một gánh hát ở quê, lại là hát bội, cải lương tuồng cổ thì con số này là nhiều, bởi hát bội bây giờ chứ đâu phải thời hoàng kim của ngày xưa. Sau tiết mục Mở cửa trời, đến phần Xang Nhật Nguyệt, cô đào bước ra, không ít khán giả xì xào: “Tui coi bả lâu rồi, nay già rồi mà cũng còn làm đào”, “Ừ! Già nên hát cũng bớt hay, hơi hám gì nữa đâu”… Có lẽ không chỉ tôi, mà gánh hát ắt cũng đã nghe nhiều và thừa biết cái luật “Thầy già, con hát trẻ”. Phía dưới sân khấu có bao nhiêu khán giả thì trên sân khấu nghệ sĩ vẫn say sưa, hết mình, bởi cái nghề hát với họ thiêng liêng lắm, còn hát là còn vui. Người mẹ 43 tuổi hát trên sân khấu, đứa con gái 9 tuổi đứng bên dưới say mê dõi theo, thỉnh thoảng lại huơ tay ra bộ bắt chước theo mẹ. Phần xây chầu và đại bội xong cũng hơn 4 giờ sáng, sau sân khấu, hai mẹ con giăng tạm cái mùng, lót tấm bạt để ngả lưng, người mẹ còn để nguyên khuôn mặt phấn son, tranh thủ chợp mắt để 7 giờ sáng hát tiếp tuồng San Hà - Xã Tắc.
Chị tranh thủ dậy sớm vì không dậy cũng không được, đám cúng đình trống chầu cứ “tùng! tùng”, chưa kể người ra kẻ vào tiếng cười nói xôn xao. Còn nguyên lớp phấn son trên mặt, rít một hơi thuốc lá, chị Kim Xuân (43 tuổi, Long Xuyên, Đồng Tháp, nghệ sĩ gánh hát Phương Ánh), kể: “Có ba theo nghề hát nên truyền nghề lại cho tui, mê sắm tuồng làm đào từ thuở nhỏ lận đó”. Chỉ tay về phía đứa con gái, chị nói tiếp: “Hồi đó 6 tuổi là lên sân khấu hát vai con rồi, theo gánh hát còn nhỏ tuổi hơn nhỏ này bây giờ”.
Không theo gánh hát chầu cúng đình thì ai mời đâu chị hát đó, kể cả hát phá hoàng cho đám ma chị cũng không ngại. Còn không ai mời, chị đẩy xe kẹo kéo, vừa hát vừa bán dạo. Nhìn con gái chị say mê dõi theo nghệ sĩ trên sân khấu, rồi cũng cầm gương, tô son như lúc mẹ sắm tuồng, tôi thầm lo lắng, mai này sẽ làm đào làm kép, vướng thêm một nỗi đoạn trường, nhọc nhằn của nghề hát. Thầm hỏi chị, chị Kim Xuân lắc đầu cười, nói: “Thấy nó cũng mê lắm, cũng ra điệu bộ này kia”. “Lỡ sau này, em nó cũng theo nghề hát thì sao chị?”. Chị rít thêm hơi thuốc, lại cười: “Mê thì cho theo chứ sao, chứ làm gì bây giờ, hông lẽ chặt chân nó. Sướng khổ có số hết rồi”… Chị nhả một làn khói dài, kể tiếp với tôi, mỗi suất hát, chị cũng được 500.000 đồng, nhín chút thì hai mẹ con sống khỏe re. “Dưới quê mà em ơi, cái gì cũng rẻ chứ không phải như trên thành phố, cái gì cũng mắc. Có hai mẹ con nên cũng không tốn kém nhiều. Có bữa đi hát phải gửi nó cho hàng xóm giữ, trả người ta 100.000 đồng/ngày, còn bữa nào nó nghỉ học mới chở theo, mà bả mê theo gánh hát lắm, nghe mẹ đi hát là xin theo hà”.
Thần thái của một cô đào
“Nằm trên võng muỗi cắn thì xuống mùng với dì Ba nghe con, chỗ nằm còn rộng lắm”, dì Ba (dì Ba/chị Ba là cách nghệ sĩ Phương Ánh xưng hô hàng ngày với mọi người trong đoàn hát của mình) giục tôi. Tôi nằm cạnh dì, để nghe thủ thỉ một đời vinh hoa thì ít mà đoạn trường đến năm bảy lượt.
Nhớ lại đứa con gái duy nhất của mình, dì Ba thoáng buồn: “Cũng ở đình này (đình Tân Khánh, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), có lần hát xong, con nhỏ xỉu tại chỗ luôn. Tại mê hát quá, bác sĩ kêu phải ngừng mà nhớ sân khấu quá đâu có chịu nổi. Hát xong rồi thì mệt, đâu có ăn uống nổi, mà trong đình người ta ra vô, rồi cúng bái nhạc lễ linh đình, đâu có ngủ nghê gì được, thành ra cứ kiệt sức dần”.
Gạt giọt nước mắt, nói về đứa cháu ngoại duy nhất là Chiêu Huy (19 tuổi), dì Ba lại tự hào: “Được thằng cháu ngoại an ủi, cũng mê hát lắm. Nó đi mần trên thành phố, phụ bán ở tiệm quần áo, mà hễ nghe có chầu hát là xin nghỉ chạy về liền, nó nay làm kép chính được rồi. Hồi thuở nhỏ, mới có mười tuổi hơn mà nói vầy nè: Mốt ngoại không làm bầu nữa thì con làm bầu cho”.
Gia đình truyền thống 3 đời theo nghề hát, nghệ sĩ Phương Ánh 3 lần làm bầu, 2 lần gãy gánh, đến năm 2004, cô lập gánh hát cải lương tuồng cổ Phương Ánh và gắng gượng đến giờ. Ở cái tuổi 65, cô vẫn nặng nợ với sân khấu. “Năm rồi dịch bệnh đâu có đi hát được, ở nhà buồn quá lấy phấn son ra làm mặt rồi xiêm y áo mão sắm tuồng, đi tới đi lui vài vòng trong nhà cho đỡ nhớ”, dì Ba kể. Nhà cửa có rồi cũng bán để duy trì đoàn hát, dì Ba hiện tại vẫn ở nhà thuê dưới chân cầu Bình Thủy 2 (Cần Thơ), có suất hát thì nhắn anh chị em trong đoàn thu xếp tới, còn ngày thường ai ở nhà nấy, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. “Nghệ sĩ trong đoàn cũng có tuổi, lỡ ốm đau bệnh tật thì sao dì Ba?”, tôi hỏi. Dì Ba nghèn nghẹn: “Thương lắm, mà có biết làm sao hơn. Mình đi vận động quyên góp thì ai quyên góp đây, cả đoàn ai cũng nghèo hết trơn. Hát ở đình lần này trừ hết chi phí, bầu gánh cũng còn chưa đầy 2 triệu đồng, đình phát cho bao gạo, mình làm bầu phải lo phần đi chợ, mua đồ ăn để nấu cơm cho anh em”… Nói tới đây nước mắt dì Ba lại chảy dài.
Gần 9 giờ sáng, đoàn hát bắt đầu tuồng San Hà - Xã Tắc, xong lớp đầu tiên, dì Ba dặm lại phấn son, thay trang phục cho lớp tiếp theo. Tôi ngồi trong hậu trường theo dõi dì Ba, đúng là cái thần thái của một bà bầu gánh, soi gương điểm phấn lại, nhưng vẫn không quên dõi theo sân khấu, vừa kịp nhắc nhở anh em trong đoàn: “Tới ai ra sân khấu đó, công chúa phải không em, ra chào khán giả nhanh, không để nguội sân khấu em ơi”. Xong xuôi hết, nằm ngả lưng cũng hơn 1 giờ trưa, thỉnh thoảng dì Ba quay sang hỏi tôi: “Coi hát thấy được hông con?”. Có bao nhiêu năm kinh nghiệm trên sân khấu đi chăng nữa, thì một chút góp ý, hay không thích của khán giả cũng khiến dì Ba để tâm: “Mình nghe khán giả chê chỗ nào thì mình ráng hát hay, làm lại cho tốt, chứ không có ỷ y được đâu con ơi”.
Nhìn cảnh hai bà cháu vẽ mặt, sắm tuồng cho nhau, hát xong, cháu ngoại lại thủ thỉ hỏi bà ngoại, con đúng bài bản chưa, điệu bộ có lộn bài mà ngoại đã dạy. Tôi chợt hỏi dì Ba: “Nghề hát cực vầy, dì Ba hông sợ Huy theo nghề sẽ chịu cực sao?”. Dì Ba lắc đầu: “Hông có đâu con, dì Ba còn mừng nữa, vì có người nối nghiệp. Bởi nghề hát với dì Ba là cả một gia tài của ông bà để lại. Nhà dì Ba truyền thống 3 đời hát cải lương tuồng cổ, anh chị em dì Ba cũng theo nghề hát hết thảy, nhưng có một mình dì Ba vừa làm đào vừa làm bầu gánh. Con gái dì Ba cũng theo nghề mà phần nó vắn số quá, may mà còn thằng Huy nó mê nối nghiệp ông bà”.
Gánh hát cũng chỉ còn rôm rả mùa Kỳ Yên, hay dịp cúng cuối năm, đời nghệ sĩ bây giờ cũng lăn lộn với cuộc đời đủ kiểu để mưu sinh. Có đình chỉ hát rồi ăn cơm chứ không tiền bạc gì vì lệ cúng thần, có đình nhỏ quá chỉ đủ dựng sân khấu, nghệ sĩ ngủ tạm chuồng heo bỏ trống của nhà dân bên cạnh. Vậy mà hễ có chỗ hát là dì Ba lại mừng rơn, ngày mai lên sân khấu thì tối nay chộn rộn mất ngủ. “Cực vầy có khi nào nản lòng không dì Ba?”, tôi hỏi tiếp. Dì Ba lắc đầu: “Hông, bây giờ còn sức ngày nào thì làm gánh hát ngày đó, không bao giờ bỏ nghề. Bây giờ, dì Ba cũng sáu mươi mấy tuổi rồi, còn không tính chuyện bỏ nghề, thì tới cuối đời cũng vậy thôi, bỏ làm sao đặng...”.
Mới làm ông vua trên sân khấu, tuồng hát vừa xong thì ngai vàng là chiếc võng mắc ngay phía dưới gầm sân khấu để nằm nghỉ lưng. “Thôi đừng kêu là nghệ sĩ, tui ngại quá chừng, có chầu tui mới đi hát, chứ ngày thường tui là ông bán đồ chơi cho con nít thôi hà”, chú Tấn Lộc (54 tuổi, Bạc Liêu, nghệ sĩ gánh hát Phương Ánh) nói.
Theo nghề hát của ông già truyền lại, đứa con gái thứ 2 của chú cũng theo gánh hát Phương Ánh, nhưng đã nghỉ vì có nhóm hát gần nhà, đỡ phải đi xa. Mỗi suất hát của chú Lộc không đầy 500.000 đồng, rồi còn tiền xăng xe, nên uống ly cà phê cữ sáng chú cũng không dám, vì để dành còn mua phấn son làm mặt sắm tuồng. “Nói vậy chứ hông phải tui than cực nha, theo nghề hát vì mê, vì thích nối nghiệp ông già nên tui hông có thấy cực khổ gì đâu. Tui còn bán đồ chơi được mà, sống khỏe re à”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sau-anh-den-san-khau-bai-2-theo-ganh-hat-que-724812.html