Sau ATACMS, Ukraine lần đầu dùng tên lửa Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga

Hãng tin Bloomberg ngày 20/11 trích tiết lộ của một quan chức phương Tây cho biết Ukraine đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.

Liên quan tới vấn đề này, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết văn phòng của ông sẽ không bình luận về các báo cáo hoặc vấn đề hoạt động quân sự.

Trước đây, Anh đã tuyên bố rằng Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow trong lãnh thổ Ukraine, nhưng nhiều tháng qua, chính phủ Anh đã gây áp lực với Mỹ để cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.

Storm Shadow là loại tên lửa tấn công chiến thuật do tập đoàn MBDA sản xuất, có tầm bắn khoảng 250 km, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu kiên cố như kho vũ khí, trung tâm sửa chữa và sân bay quân sự.

Cả Anh và Pháp đều cung cấp tên lửa Storm Shadows cho Ukraine. Đặc biệt, Anh là quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và những quả Storm Shadow đầu tiên đã đến tay Kiev vào tháng 5/2023.

Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadows cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các lực lượng của Liên bang Nga, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, bao gồm cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen ở Bán đảo Crimea, khu vực bị Liên bang Nga sáp nhập năm 2014.

Nếu thông tin của hãng Bloomberg được xác nhận, đây là lần đầu tiên tên lửa tầm xa Storm Shadows được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga và nó diễn ra sau khi Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Xem video về hoạt động vận chuyển và lắp đặt tên lửa Storm Shadows lên máy bay chiến đấu. Nguồn: Reuters

Hôm 19/11, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga tuyên bố vào lúc 3h25 cùng ngày quân đội Ukraine đã tấn công tỉnh miền Tây Bryansk của Liên bang Nga bằng 6 tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ sản xuất.

Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và làm hư hại quả thứ sáu. Các mảnh đạn rơi xuống gây ra đám cháy tại cơ sở quân sự, song vụ hỏa hoạn nhanh chóng bị dập tắt, không gây ra thương vong hay thiệt hại nào.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters ngày 20/11 dẫn một nguồn tin từ Mỹ cho biết Ukraine đã phóng 8 quả tên lửa ATACMS và quân đội Liên bang Nga chỉ đánh chặn được 2 quả trong số đó.

Trong khi đó, theo tờ Bưu điện Kiev (The Kyiv Post) ngày 20/11, nhiều hãng truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết các quan chức Mỹ xác nhận Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Liên bang Nga vào hôm 19/11.

Căn cứ vào lời của hai quan chức Mỹ, đài CNN đưa tin: “Ukraine đã đánh trúng một kho vũ khí của Liên bang Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng để tấn công vượt biên giới”.

Các báo cáo tương tự cũng xuất hiện trên website của tổ chức truyền thông độc lập, phi lợi nhuận NPR và tờ Thời báo New York (The New York Times), nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó vào ngày 17/11, truyền thông phương Tây, bao gồm tờ Thời báo New York và hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thay đổi chính sách, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Vào ngày 18/11, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, xác nhận Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.

“Chính quyền Biden đã cho phép sử dụng vũ khí của mình trong phạm vi lên tới 300 km bên trong lãnh thổ Liên bang Nga,” ông Borrell nói.

“Chính quyền Mỹ từng từ chối trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng đã đồng ý”, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU cho biết thêm.

Sau đó một hôm, vào ngày 19/11, trả lời phỏng vấn với tờ O Globo của Brazil, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Tây Bán cầu, ông Brian Nichols, dường như đã xác nhận quyết định liên quan của chính quyền Biden khi cho rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa có thể buộc Liên bang Nga phải bước vào bàn đàm phán hòa bình.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/Bloomberg/The Kyiv Post)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-atacms-ukraine-lan-dau-dung-ten-lua-storm-shadow-tan-cong-lanh-tho-nga-20241121051622526.htm