Sau bãi nhiệm tư cách ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ông Phạm Phú Quốc

Ông Phạm Phú Quốc

Chiều nay, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Theo đó, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết (89,42%) với 429 đại biểu (89%) tán thành việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Trước đó, ngày 25/8/2020, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được biết, năm 2018, ông Phạm Phú Quốc đã làm thủ tục xin quốc tịch Cộng hòa Síp và đã được cấp hộ chiếu nước này vào ngày 11/2/2019. Đại biểu Phạm Phú Quốc đã không báo cáo với đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về việc này.

Nhiều người băn khoăn ngoài việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội thì ông Phạm Phú Quốc liệu có vi phạm pháp luật khi có hai quốc tịch?

Bàn về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo luật Quốc tịch Việt Nam, chỉ những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam thì vẫn có quốc tịch Việt Nam (khoản 2, điều 13). Điều khoản này không áp dụng đối với công dân Việt Nam định cư trong nước.

Ngoài ra, chỉ một số trường hợp đặc biệt, được Chủ tịch nước đồng ý thì những người nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam có thể được giữ nguyên quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này những công dân ấy sẽ có hai quốc tịch.

Như vậy, công dân Việt Nam bình thường định cư ở trong nước không thể cùng một lúc có từ hai quốc tịch trở lên. Trong trường hợp những công dân này muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì phải thôi quốc tịch Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài.

Không những thế, khoản 4, điều 27 của luật cũng quy định: “Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam”. Như vậy, ông Quốc có hai quốc tịch trong khi đang là Đại biểu Quốc hội và là Tổng giám đốc một công ty quan trọng của Nhà nước, ngoài vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam còn vi phạm Luật Cán bộ, công chức (cụ thể là Khoản 1 Điều 8; Khoản 2 Điều 9; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Luật sư Diệp Năng Bình phân tích, ông Quốc cũng có thể vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018; bởi vì ông là Đại biểu Quốc hội được quyền tiếp cận với các tài liệu của Đảng và Nhà nước có độ mật rất cao mà các cán bộ, công chức bình thường không được tiếp cận. Không ai có thể khẳng định là ông Quốc không tiết lộ những bí mật này với các tổ chức nước ngoài mà ông có quốc tịch. Về việc này, cơ quan chức năng cần phải điều tra, xem xét.

Với trường hợp sau khi bị bãi nhiệm, việc xử lý ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch như thế nào, luật sư Bình cho rằng, ông Quốc vẫn định cư và làm việc trong nước thì phải bỏ quốc tịch Síp. Các vi phạm khác của ông Quốc, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xem xét, kết luận và xử lý theo quy định pháp luật.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/sau-bai-nhiem-tu-cach-dbqh-ong-pham-phu-quoc-co-the-bi-xu-ly-ra-sao-d484788.html