Sâu ban miêu – Vị thuốc có độc, cần lưu ý
Sâu ban miêu còn gọi bọ xít lửa, sâu đậu, ban miêu, hồ trùng... Bộ phận dùng làm thuốc là toàn thân khô con Ban miêu to (Mylabris phalorata Pall.) hoặc Ban miêu nhỏ vàng đen (Mylabris cichorii L.), thuộc họ Ban miêu (Meloidae). Do việc tự động thu bắt Sâu ban miêu; do không sử dụng đúng liều lượng nên đã có nhiều vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.
Về thành phần hóa học, sâu ban miêu chứa hotphat, axit uric, dầu béo, chất cantharidin. Chất cantharidin là chất gây phồng da mạnh, là chất độc bảng A.
Theo Đông y, sâu ban miêu vị cay, tính lạnh, rất độc; vào kinh Đại trường, Tiểu trường. Công năng công độc, phá huyết. Chữa chó dại cắn, thai lưu trong bụng, tràng nhạc; bôi ngoài trị các thứ nhọt độc, trùng độc.
Người ta thu bắt sâu ban miêu vào mùa hè, mùa thu, sáng sớm chưa tan sương thì bắt, cho vào thùng ngâm hoặc đổ nước sôi cho chết rồi phơi khô là được.Ban miêu hình dài tròn, dài 2,0cm – 2,8cm, to 0,6cm – 1,2cm. Đầu hơi hình tam giác tròn, màu đen, có đôi mắt to và một đôi râu, râu phần nhiều đã rụng mất. Lưng có 2 bao cánh chất da, màu đen, có 3 vết ngang màu vàng nhạt, hoặc vàng nâu. Bên dưới bao cánh có 2 chiếc cánh mỏng trong suốt màu nâu. Ức có 3 đôi chân, bụng có từng đốt vòng. Có mùi đặc biệt, vị lúc đầu cay, sau đắng (không nên cho vào miệng nếm).
Chế biến sâu ban miêu như thế nào?
Ban miêu sống: Loại bỏ tạp chất, bỏ chân, cánh là được.
Mễ Ban miêu: Cho gạo vào nồi đun nóng, phun ít nước cho gạo dính vào nồi khi khói bốc lên thì đổ Ban miêu vào, đảo nhẹ cho đều, sàng sạch gạo, bỏ chân cánh, là được. 5kg Ban miêu dùng 1 kg gạo.
Liều dùng 1 – 2 con/ngày. Bào chế xong cho vào thuốc sắc uống, hoặc cho vào hoàn tán. Bôi ngoài dùng sống lượng vừa đủ, tán bột rắc hoặc ngâm rượu, bôi chỗ đau.
Kiêng kỵ: Sâu ban miêu kỵ ba đậu, đan sâm, cam thảo. Không dùng vị thuốc sâu ban miêu cho phụ nữ mang thai.
Phòng tránh ngộ độc sâu ba miêu cần lưu ý :
Chất tiết (chất cantharidin) của sâu gây phồng rộp da nên khi thu bắt phải có dụng cụ bảo hộ lao động, phải dùng vợt, cho vào túi vải, sau đó nhúng túi vải hoặc vợt vào nước sôi trước khi phơi hay sấy khô, tránh để nước tiết dính lên cơ thể người, thực hiện đúng quy trình thu bắt.
Người uống hoặc ăn phải sâu ban miêu sẽ có biểu hiện như đau, xót ở dạ dày và ruột, tiến tới viêm các bộ phận sinh dục và tiết niệu. Người bệnh có biểu hiện tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương cứng lên và đau đớn; cuối cùng là các biểu hiện rối loạn về thần kinh, hôn mê và chết trong 24 giờ. Với liều 0,03g cho 1 lần hoặc 0,06g bột sâu ban miêu trong 24 giờ, hoặc 0,2 mg chất cantharidin trong 24 giờ, đủ làm chết người. Nhưng người ta còn nhận thấy: nhiều trường hợp ngộ độc với liều thấp hơn liều độc trên rất nhiều do dị ứng với xác sâu Ban miêu. Vì vậy không tự sử dụng sâu ban miêu trong chữa bệnh.
Cách giải độc sâu ban miêu: Dùng nước sắc hoàng liên 8 – 12g và cam thảo 8 – 10g (Theo Trung Quốc Dược học đại từ điển).
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-ban-mieu-vi-thuoc-co-doc-can-luu-y-n170633.html