Sau bão số 3, Hà Nội vẫn còn trên 3.000 người phải sơ tán do ngập lụt

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cập nhật đến ngày 30/9, vẫn còn khoảng trên 3.000 người dân phải sơ tán do ngập lụt, chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Theo báo Giao Thông, tại buổi họp báo của UBND Tp. Hà Nội chiều 3/10, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã thông tin về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn.

Cụ thể, cập nhật 7h ngày 26/9, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, thiên tai, Hà Nội bị gãy, đổ trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gãy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng trên 13.000 ha;

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin tại họp báo . Ảnh: VGP/Gia Huy

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin tại họp báo . Ảnh: VGP/Gia Huy

Cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 9.000 ha, thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc…

Xảy ra 41 sự cố công trình đê điều và khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt. Sản xuất công nghiệp chịu thiệt hại nhẹ.

Để khắc phục hậu quả mưa bão và đảm bảo đời sống nhân dân, Tp.Hà Nội đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người thiệt mạng và bị thương.

Thôn Phú Hiền (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sáng 18/9 vẫn ngập sâu trong nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thôn Phú Hiền (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) sáng 18/9 vẫn ngập sâu trong nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cập nhật đến ngày 30/9, đã có gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng hơn 3.000 người dân vẫn phải sơ tán do ngập lụt, chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Theo Vietnam+, với hơn 11.756 cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc (tính đến 22h ngày 20/9), theo ông Hoa, Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây. Công tác giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi. Đến nay, công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.

Cũng theo ông Hoa, do ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực bị mất điện gây gián đoạn, giảm công suất nhà máy nước. Từ ngày 12/9 đến nay, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố được vận hành an toàn, cung cấp đầy đủ đạt 100%, không có khu vực nào bị mất nước cục bộ trên địa bàn thành phố.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.

"Đến 7h ngày 26/9, các công ty thủy lợi đang vận hành 86 trạm bơm tiêu với 245 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 647.130 m3/h; vẫn còn tình trạng úng ngập trên địa bàn các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lớn (Chương Mỹ, Quốc Oai…)", ông Nguyễn Đình Hoa cho hay.

Ngay sau bão số 3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là 220,87 tỷ đồng.

Tính đến 16h ngày 22/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận với tổng số tiền đăng ký và ủng hộ là: 177,646 tỷ đồng (số tiền đã về Quỹ Cứu trợ Thành phố là: 153,98 tỷ đồng). Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã hỗ trợ với tổng số tiền là 101,84 tỷ đồng (hỗ trợ nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng) và nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân bị ảnh hưởng và tại các khu tạm cư tập trung.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 1,73 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn các nhu yếu phẩm như: lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập…

Hiện UBND thành phố đã yêu cầu tổ chức tổng kết, đánh giá công tác ứng phó thiên tai trong thời gian qua; rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ".

Cần đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm đối với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến gió, bão, ngập lụt, sạt lở đất thời gian qua; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức.

M.H (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sau-bao-so-3-ha-noi-van-con-tren-3000-nguoi-phai-so-tan-do-ngap-lut-204241003161346226.htm