Sau bữa gỏi cá mè sống, người bệnh 'sốc' khi thấy giun bò lổm ngổm dưới da
Sau khi ăn gỏi cá mè sống, một người dân ở Phú Thọ xuất hiện tình trạng đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, da ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ khắp người.
Giun ký sinh dưới da người bệnh
Một bệnh nhân đến Trung tâm Y tế khu vực Hạ Hòa (Phú Thọ) khám bệnh trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, da ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ khắp người. Theo Tri Thức, bệnh nhân cho biết bản thân cảm thấy mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém, cơ thể ngày càng gầy yếu trong những ngày gần đây.
Người này cho biết đã ăn gỏi cá mè sống tại nhà cùng người thân trước khi khởi phát triệu chứng vài ngày. Kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết cho thấy người bệnh bị nhiễm giun sán. Sau khi được điều trị nội khoa và theo dõi sát tại cơ sở y tế, tình trạng của bệnh nhân dần cải thiện.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Thời gian gần đây, Trung tâm Y tế khu vực Hạ Hòa đã tiếp nhận nhiều ca bệnh tương tự, phần lớn có biểu hiện đau bụng không rõ nguyên nhân, rối loạn tiêu hóa, ngứa da kéo dài, dị ứng nổi mẩn, cơ thể suy nhược, gầy sút cân.
Tình trạng này phổ biến hơn ở các vùng nông thôn, nơi vẫn còn tồn tại thói quen ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là ăn cá sống, gỏi cá hoặc các món tái.

Giun ký sinh dưới da người bệnh. Ảnh: Trung tâm Y tế khu vực Hạ Hòa.
Theo các bác sĩ, giun sán có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường, trong đó phổ biến nhất là đường tiêu hóa thông qua việc ăn uống thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc chưa được nấu chín kỹ. Những loại ký sinh trùng này thường ký sinh ở ruột, gan, phổi, thậm chí lan đến cơ và các mô khác trong cơ thể.
Tùy theo loại giun sán và vị trí chúng cư trú, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác nhau như:
Đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa
Mẩn ngứa, dị ứng da
Thiếu máu, xanh xao, gầy yếu
Rối loạn hô hấp, ho dai dẳng nếu ký sinh ở phổi
Tổn thương gan, tắc mật, gây biến chứng nặng nếu để lâu
Nếu chẳng may nhiễm giun sán nhưng không phát hiện sớm do triệu chứng mờ nhạt hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm ký sinh trùng kéo dài có thể gây ra tổn thương mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng sống người bệnh.
Cẩn trọng nhiễm giun sán với trào lưu ăn đồ tái, sống
BS.CKI Nguyễn Trần Như Thủy - Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh (Cơ sở 3) chia sẻ với Đại Biểu Nhân Dân, những năm gần đây, việc tiêu thụ các món ăn từ thịt sống, nội tạng động vật hoặc thực phẩm chưa nấu chín kỹ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Đây không chỉ trở thành xu hướng thưởng thức ẩm thực mới lạ, mà còn là hệ quả của những trào lưu lan rộng trên mạng xã hội.
Điều đáng nói, việc ăn phải nội tạng, thịt sống hoặc thực phẩm không được chế biến kỹ, đặc biệt với các loại động vật, có thể dẫn đến nhiễm các loại giun sán và ký sinh trùng nguy hiểm. Trong đó, biểu hiện ban đầu bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy; Sốt nhẹ hoặc sốt cao (nếu nhiễm nhiều); ngứa, nổi mề đay, phát ban do phản ứng miễn dịch; mệt mỏi, chán ăn kéo dài; trường hợp nặng, giun sán có thể gây tắc ruột.
Có thể nhiều người chưa biết, một số loại sán như sán dải heo (Taenia solium) nếu xâm nhập lên não có thể gây viêm não, động kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, khi phát hiện hoặc nghi ngờ ăn phải thực phẩm sống, tái, hoặc nghi nhiễm sán cần :
– Giữ bình tĩnh, không tự ý dùng thuốc khi chưa xác định rõ loại giun sán.
– Theo dõi kỹ biểu hiện cơ thể trong 24–72 giờ (đau bụng, sốt, dị ứng, rối loạn tiêu hóa…).
– Đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm phân, máu tìm ký sinh trùng và được bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.
– Mỗi loại giun sán cần phác đồ điều trị khác nhau, việc tự ý dùng thuốc có thể gây biến chứng hoặc không hiệu quả.
Điểm danh nhóm thực phẩm, món ăn có nguy cơ cao nhất
Chuyên gia cảnh báo những thực phẩm sau tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm giun sán, ký sinh trùng bao gồm:
- Gan, mật động vật (có thể chứa sán lá gan).
- Ruột non, dạ dày động vật (lòng, phá lấu…) – là nơi ký sinh nhiều loại giun sán.
- Tiết canh, máu sống – dễ nhiễm vi khuẩn, virus, trứng sán.
- Cá nước ngọt sống (gỏi cá, nem chua) – nguy cơ sán lá gan nhỏ rất cao.
- Thịt heo, bò tái – dễ chứa ấu trùng sán dải heo, bò.
- Cua, tôm sống hoặc chưa nấu kỹ (gỏi tôm, mắm cua) – nguy cơ sán lá phổi.
Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không ăn thịt, cá, hải sản, các món ăn sống, tái, chưa nấu chín kỹ, đặc biệt tại các hàng quán vỉa hè, không đảm bảo nguồn gốc; chỉ uống nước đã đun sôi, không sử dụng nước chưa qua xử lý.
Tuyệt đối không ăn thực phẩm sống, tái, chưa được nấu chín kỹ.
Ăn chín, uống sôi, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, có kiểm định.
Tẩy giun định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần theo hướng dẫn y tế.
Trúc Chi (t/h)