Sau bức màn 'Giếng lạ'

Xen kẽ vở diễn 'Giếng lạ' kéo dài 2 tiếng đồng hồ, nhiều lần bức màn kéo lại, chuẩn bị cảnh trí cho phần tiếp theo. Đến khi bức màn chính thức khép, những tiếng vỗ tay không ngớt vang lên, dành sự tán thưởng cao cho ê kíp thực hiện. Trong đó, có sự động viên dành cho Huỳnh Đức - đạo diễn 27 tuổi, quê ở huyện Phú Tân.

Không gian nhỏ của sân khấu được tận dụng tối đa từ khán phòng của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh An Giang, sức chứa khoảng 200 người. “Giếng lạ” đưa mọi người nhập tâm vào câu chuyện bằng những cảm xúc hoang mang, sợ hãi từ màn mở đầu, nhấn nhá mức độ kinh dị vừa phải, rồi lại “giải tỏa tâm lý” với hàng loạt mảng miếng “cười muốn tắt thở”.

Từ trẻ nhỏ đến người có tuổi, từ học sinh, sinh viên đến người đã đi làm… đều có thể khóc, cười cùng nhân vật, hòa mình vào không gian kịch theo đúng ý đồ của ê-kíp chắc tay. Diễn viên nào cũng có nét duyên níu mắt người xem, có không gian thể hiện rõ nét tính cách nhân vật mình đảm nhận.

Huỳnh Đức (bìa phải) trong vở "Giếng lạ"

Huỳnh Đức (bìa phải) trong vở "Giếng lạ"

“Đây là vở kịch nói mang tính chuyên nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên “cập bến” tại TP. Long Xuyên. Vở kịch hội tụ các dòng cảm xúc hỷ - nộ - ái - ố, có sự góp mặt của các diễn viên nổi tiếng, tài năng, như: Diễn viên hài Anh Đức, Phúc Zelo, nghệ sĩ Lê Vinh, Tốp 10 Miss Earth 2023 - Thu Cúc... Đằng sau vở diễn là bài học đối nhân xử thế “gieo nhân nào, gặt quả ấy”.

Những việc làm trong quá khứ chính là hạt mầm mà ta gieo cho tương lai. Nếu nó là hạt giống không tốt, chắc chắn tương lai sẽ không thể nào là một cái cây khỏe mạnh. Ngược lại, nếu đó là hạt mầm khỏe mạnh, thành quả mà ta thu lại được sẽ là trái ngọt, tươi ngon. Luật nhân quả sẽ không chừa một ai.

Mang giá trị nhân văn cao, thông điệp sâu sắc được truyền tải qua vở kịch, “Giếng lạ” chỉ mới trình diễn 2 suất “chào sân” (ngày 13, 14/6), nhưng suất nào cũng “cháy vé”. Khán giả bày tỏ mong muốn sớm được tiếp cận suất diễn mới nhất” - Phan Nhựt chia sẻ. Anh là trợ lý đạo diễn, chỉ huy buổi diễn, “cầu nối” quan trọng giúp ê-kíp đưa vở kịch về sân khấu TP. Long Xuyên.

Mãi đến khi bức màn sắp khép, toàn bộ diễn viên ra chào tạm biệt, khán giả mới biết, nhân vật hài tên Đực rất duyên dáng lại chính là đạo diễn Huỳnh Đức, người thắp lên linh hồn, kết nối xuyên suốt cho toàn vở diễn.

“Tôi đam mê diễn và dàn dựng. Bản thân không phải con nhà nòi, nên tôi cố gắng nhiều hơn, luôn toàn tâm toàn ý mỗi khi được đứng trên sân khấu, dù diễn bất kỳ vai gì, miễn sao được phục vụ cho Tổ nghiệp, cho khán giả và thỏa niềm đam mê của chính mình” - Huỳnh Đức bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Năm 2016, tốt nghiệp THPT xong, Huỳnh Đức vẫn chưa biết chọn hướng đi nào cho mình. Những lúc rảnh rỗi, anh xem các vở hài kịch để giải trí, dần dần bị “mê hoặc” theo. Cha mẹ không đồng ý cho anh theo nghề sân khấu, sợ công việc khổ cực, di chuyển nhiều, ít thời gian bên cạnh gia đình. Họ khuyên anh chọn nghề kinh doanh sẽ phù hợp hơn. Suy nghĩ đắn đo mãi, anh quyết định… lẳng lặng trốn lên TP. Hồ Chí Minh.

Từ đây, chàng trai trẻ bắt đầu hành trình “đơn thân độc mã” khám phá cuộc sống bên ngoài sự bảo bọc của gia đình, nỗ lực ôn thi nhiều lần, quyết tâm thi đậu vào ngành đạo diễn sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Thi đậu vào trường, anh tiếp tục chuỗi ngày lăn lộn cùng lĩnh vực mình yêu thích, hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực phim ảnh, sân khấu, mày mò tích lũy kinh nghiệm từng chút.

Đạo diễn Huỳnh Đức

Đạo diễn Huỳnh Đức

Dấu ấn lớn nhất là thời điểm anh chuẩn bị tốt nghiệp. Xin được kịch bản hay, anh dành cả tháng trời nghiền ngẫm, đầu tư dàn dựng “Giếng lạ” mất cả tháng nữa. Năm 2022, anh dùng tác phẩm đầu tay này để thi tốt nghiệp, được đánh giá rất cao từ thầy cô. Anh mạnh dạn đưa “Giếng lạ” vào công chúng, nhận lại hiệu ứng tốt đến mức không ngờ. Thành công của lần đầu “chạm ngõ” sân khấu giúp anh thêm nung nấu quyết tâm: Mang tâm huyết, khả năng của bản thân về quê nhà An Giang.

“Gia đình tôi không có ai tham gia nghệ thuật. Nhưng khi được xem vở kịch đầu tay tôi dàn dựng, ba mẹ đã thay đổi suy nghĩ. Thay vì ngăn cản, họ động viên tôi: “Con cứ làm, sống trọn với đam mê của mình. Đời người chỉ một lần sống, nên cứ sống hạnh phúc, tin vào bản thân”.

Sự động viên ấy quý giá vô cùng. Kể từ lúc rời nhà đi TP. Hồ Chí Minh học tập, tôi ấp ủ sẽ quay trở về quê, đóng góp vào hoạt động văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà. Niềm ấp ủ ấy đã gắn chặt vào tim tôi, chưa bao giờ phai. Được người nhà tin tưởng, tôi xúc tiến đưa kịch nói về An Giang. Dù kinh phí đầu tư rất cao, gần như “làm quen” với tất thảy mọi thứ từ địa điểm sân khấu, tạo dựng mối quan hệ… nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện” - Huỳnh Đức bày tỏ.

Với chàng đạo diễn trẻ này, sau bước chập chững đầu tiên, được khán giả quê nhà đón nhận, yêu thương là mong mỏi lớn nhất. Khi bức màn dần khép, tiếng vỗ tay của khán giả vẫn vang lên nồng nhiệt, kèm theo những lời khen “hay quá!”, “Mai mốt diễn nữa nha”. Hiệu ứng tích cực của từng khán giả được ê-kíp vở diễn ghi nhận, lắng nghe, từng bước điều chỉnh để phục vụ suất diễn sau tốt hơn nữa.

“Tôi sẽ tiếp tục mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về phục vụ kịch nói tại TP. Long Xuyên, đầu tư tác phẩm tốt hơn nữa, góp một chút sức vào phát triển bộ môn kịch nói tỉnh nhà. Còn rất nhiều dự định, nhưng để chúng trở thành hiện thực, không chỉ là nỗ lực của riêng tôi hay ê-kíp, mà là sự yêu thương của khán giả, sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo ngành chuyên môn của tỉnh. Tôi rất mong, tỉnh sẽ tạo điều kiện để đứa con xa quê được trở về phục vụ quê hương” - Huỳnh Đức gửi gắm kỳ vọng.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/sau-buc-man-gieng-la-a399358.html