Sau các vụ ngộ độc tại Khánh Hòa, các hàng quán chế biến từ thịt gà ế ẩm
Sau khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhiều người dân địa phương lo ngại, hạn chế sử dụng các món ăn chế biến từ thịt gà. Các cửa hàng bán thịt gà, quán ăn bán các món từ thịt gà lâm cảnh ế ẩm, đìu hiu, nhiều cơ sở tạm thời đóng cửa.
Ngày 12/4, tại chợ Xóm Mới, trung tâm thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vào giờ cao điểm nhưng các điểm bán hàng thịt gà từ gà sống đến gà đã sơ chế đều vắng vẻ. Bên cạnh nhiều sạp hàng bỏ trống, một số sạp vẫn hoạt động nhưng lượng khách đã giảm hẳn, rất ít người hỏi mua. Anh Nguyễn Đức, một người bán gà ở đây cho biết, trước đây, mỗi ngày, anh bán cả chục con gà tại chỗ và cung cấp thịt gà cho các nhà hàng khách sạn. Mấy ngày gần đây, liên tục nhận điện thoại hủy đơn thịt gà của các nhà hàng, khách sạn. Gà của gia đình anh bày bán có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng nhưng thông tin lan truyền về các vụ ngộ độc khiến người dân lo ngại, có tâm lý "tẩy chay" thịt gà.
"Do thông tin là gà bị dịch, nhiều người bình luận là không nên ăn gà. Thông tin không đúng sự thật đã ảnh hưởng đến kinh doanh của tôi. Trước đây, tôi bán một ngày cỡ 10 con gà, nay một ngày bán được 1 con, đôi khi không được con nào. Trứng gà cũng bị ảnh hưởng, họ kêu gà dịch thì trứng cũng dịch", anh Nguyễn Đức than thở.
Tại các chợ lớn, nhỏ ở thành phố Nha Trang, sức mua thịt gà sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều cửa hàng bán không được hàng phải tạm dừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết, người dân địa phương chuyển sang dùng các thực phẩm khác. Ban Quản lý chợ tăng cường quản lý thực phẩm đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lượng người mua thịt gà cứ giảm dần.
"3 hàng gà sống thì vẫn bán nhưng hầu như người mua không có. Còn 3 hàng gà lấy gà công nghiệp bán lại thì nghỉ hết, họ tự nghỉ vì 4-5 ngày liền không có ai mua miếng gà nào. Ban Quản lý Chợ cũng tuyên truyền về an toàn thực phẩm, mua hàng phải rõ nguồn gốc, giấy phép các loại, không có thì sẽ không cho vô bán. Họ đều có dấu của an toàn thực phẩm. Không ai mua nên họ nghỉ vì lỗ quá”, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Tình trạng "tẩy chay" thịt gà cũng xảy ra tại một số quán ăn chuyên về gà thường đông khách ở thành phố Nha Trang. Rất nhiều quán ăn tạm đóng cửa, một số khác vẫn bán nhưng cầm chừng vì rất ít người ăn. Hiện chỉ một số khách hàng quen lâu năm đến ăn thịt gà vì tin tưởng các nhà hàng này.
Bà Trần Thị Lan, phường Phước Long, thành phố Nha Trang cho biết, nhiều người dân địa phương cũng hạn chế ăn uống tại hàng quán, chuyển sang nấu ăn tại nhà: "Nghe thông tin, các em học sinh ăn ngoài vỉa hè đường phố, ăn cơm gà, không dám ăn nữa. Bây giờ chỉ dám ăn các thứ như cá, thịt heo, mực chứ không ăn thịt gà nữa. Phải từ từ chứ chưa dám ăn, phải nấu lên, ăn nóng, ram, xào, nấu canh chua".
Gần 1 tháng nay, tại thành phố Nha Trang xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, nghi ngộ độc thực liên quan đến các món ăn từ gà. Cụ thể, giữa tháng 3 vừa qua, 369 người bị ngộ độc sau khi ăn tại quán Cơm gà Trâm Anh. Một tuần sau, ngành chức năng ghi nhận 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi bị rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà bên ngoài nhà trường. Đến ngày 5/4, ngành chức năng tiếp tục ghi nhận hơn 30 học sinh ở phường Vĩnh Trường nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc do ăn sáng với nhiều món khác nhau, trong đó có cơm gà tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và từ người bán hàng rong.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm, có thịt gà, đặc biệt là các kho lạnh. Cơ quan chức năng xử phạt trường hợp thông tin sai sự thật liên quan đến trường hợp tử vong do ăn thịt gà.
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa khẳng định, người dân không nên quá lo lắng về các sản phẩm thức ăn được chế biến từ gà. Cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín, hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm định; hạn chế ăn thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ ngộ độc.
"Rõ ràng, vừa rồi cũng có mẫu thịt gà có thể bị nhiễm khuẩn. Người dân nên chọn những nơi có kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Gà có nhập khẩu với xuất xứ rõ ràng, gà bảo đảm an toàn thì bình thường", ông Bùi Xuân Minh nói.