Sau chiến thắng vang dội, Tổng thống Putin phải cẩn trọng trước 'bãi mìn' mới ở Syria?
Từ tuyên bố rút quân của Mỹ, cuộc đối đầu Iran-Israel và thỏa thuận lung lay với Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, thành tích quân sự của Nga ở Syria đang bị xói mòn dần dần.
Tổng thống Vladimir Putin có thể tin vào lợi ích mà Nga có thể đạt được sau thành tích quân sự quan trọng của mình ở Syria, nhưng dường như “bãi mìn” ngoại giao tại quốc gia này đang đặt ra những thách thức mới và bất ngờ cho ông - điều có thể làm xói mòn thành tích quân sự đó, cây bút Zvi Bar'el nhận định trên tờ Haaretz.
Kế hoạch ngoại giao mà Nga xây dựng được đánh giá là có trật tự và logic. Theo kế hoạch, Nga đã có ý định rút một số lực lượng khỏi Syria; giải quyết câu hỏi triệt phá lực lượng phiến quân ở tỉnh Idlib thông qua các biện pháp ngoại giao, mà chủ yếu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ; triệu tập một ủy ban để xây dựng hiến pháp mới; thiết lập một ngày bầu cử chính thức và bắt đầu tái thiết đất nước.
Các yếu tố của đề cương này đã được Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9 năm ngoái, cũng như được Tổng thống Bashar Assad và một số tổ chức phiến quân chấp nhận.
Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên trục trặc khi vào tháng 12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông dự định rút lực lượng khỏi Syria và sau đó ông lại không thực hiện quyết định đó.
Một sự chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền Trump và Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện trong việc bảo vệ lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Mặc dù Tổng thống Trump đồng ý thiết lập một khu vực an ninh ở khu vực người Kurd nằm tại miền Bắc Syria, đồng thời yêu cầu các lực lượng châu Âu giám sát và tuần tra khu vực, phía Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng rằng các lực lượng của họ mới là bên thực hiện nhiệm vụ.
Cho đến khi vấn đề trên được giải quyết, việc rút quân của Mỹ sẽ bị trì hoãn. Hai bên vẫn đang cố gắng đưa ra một thỏa hiệp sẽ được người Kurd chấp nhận.
Cả Nga và Syria đều phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát miền Bắc Syria, nhưng đồng thời họ đang yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thỏa thuận triệt hạ lực lượng vũ trang ở tỉnh Idlib , đặc biệt là lực lượng của Mặt trận Nusra (nay gọi là Mặt trận Chiếm đóng A-Sham ).
Thỏa thuận này nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn của quân Chính phủ, phù hợp với yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã không giữ vững cam kết giải giáp các lực lượng thánh chiến tại đây và Nga đã cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của họ đang bị bào mòn.
Bất kỳ trận chiến nào ở Idlib, nơi sinh sống của ba triệu dân thường và khoảng 50.000 dân quân vũ trang sẽ đồng nghĩa với việc nổ ra làn sóng người tị nạn mới chạy trốn vào Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã có hơn 3,5 triệu người trước đó.
Nếu không có giải pháp cho vấn đề Idlib, chính quyền Tổng thống Assad sẽ không thể khôi phục quyền kiểm soát đối với tất cả các khu vực của Syria và tất cả các bước ngoại giao theo kế hoạch của Nga cũng sẽ bị trì hoãn.
Một vấn đề khác là thiếu một thỏa thuận để chỉ định một ủy ban hiến pháp dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Cuối tuần trước, vòng đàm phán thứ 12 tại Thủ đô Astana của Kazakhstan (nay là Nur-Sultan), đã kết thúc mà không có kết quả.
Điểm tranh chấp chính là vai trò của các bên sẽ giải quyết theo hiến pháp, vì Nga quan tâm đến sự đại diện lớn nhất có thể của phe đối lập bên cạnh các đại diện của chính quyền Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự tham gia của người Kurd và các nhóm đối lập.
Về phần mình, Iran đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình tại Syria khi Nga gần đây cũng đã tằng cường hợp tác kinh tế tại đây, nổi bật với thỏa thuận cảng Tartus đã được cho Nga thuê trong 49 năm.
Diễn biến được tăng cường này dựa trên những gì Iran gọi là thỏa thuận ngầm giữa Nga và Israel để buộc Iran ra khỏi Syria. Các nhà phân tích Iran chỉ ra rằng Nga bật đèn xanh cho Israel tấn công các mục tiêu của Iran.
Cách giải thích này của Iran cho thấy Israel có vẻ như có thể ảnh hưởng đến chính sách Trung Đông của Mỹ và cả Nga.
Nhưng không có tín hiệu nào cho thấy Moscow hài lòng với những gì đã diễn ra, đặc biệt là khi xuất hiện các động thái ngoại giao ở Syria, nơi Nga không mong muốn mọi thứ đi theo chương trình nghị sự của Israel.
Nga dường như có đang nắm thế độc quyền trong việc quản lý tiến trình ngoại giao, nhưng đó là sự độc quyền cần được duy trì và linh hoạt đối với những bên tham gia khác.
Số phận của hàng triệu người dân di tản và người tị nạn Syria, cùng với các kế hoạch tái thiết Syria, sẽ phải chờ đợi. Cho đến khi có một chính quyền ổn định ở Damascus, sẽ không có quốc gia tài trợ quan trọng nào sẵn sàng bơm vốn khổng lồ cần thiết cho sự phục hồi ở quốc gia Trung Đông.