Sau chuỗi ngày ảm đạm, 'gió đông' đang đến với thị trường chứng khoán?
Phần lớn giới đầu tư đều 'giật mình' khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm một số mức lãi suất điều hành, đồng thời đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Hiệu ứng tức thời khi thị trường chứng khoán (TTCK) tăng bùng nổ 2,1% trong phiên ngày 15-3.
Thông điệp chính sách
Sức ép mặt bằng lãi suất cao đã phần nào được cởi bỏ khi các NHTM khởi động đợt giảm từ đầu tháng 3 này. Song động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN mới chính thức phát thông điệp mạnh mẽ đánh tan nghi ngờ, rằng việc giảm lãi suất của các NHTM chỉ mang tính “gượng ép”.
Cho tới trước khi NHNN thực hiện giảm lãi suất điều hành, vẫn có nhiều lo ngại rằng sức ép tăng lãi suất của Fed cuối tháng 3-2023 sẽ ngăn cản xu hướng giảm lãi suất trong nước. Tuy nhiên, nhiều yếu tố thuận lợi gần đây đã tạo cơ hội giảm lãi suất.
Đầu tiên là diễn biến tỷ giá vẫn rất ổn định từ cuối tháng 2-2023 đến giữa tháng 3. Đồng USD đã đạt đỉnh 3 tháng hồi đầu tháng 3 này. Hiện tượng suy yếu của đồng USD tiếp tục hỗ trợ NHNN mua vào ngoại tệ, nghĩa là bơm tiền đồng ra giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm mới khoảng 0,77% so với mức 2,52% cùng kỳ 2022.
Thứ hai là sự kiện liên tiếp 3 NH Mỹ sụp đổ trong tuần trước, khiến Chính phủ Mỹ phải vào cuộc bảo hiểm toàn bộ tiền gửi để khôi phục niềm tin. Đồng thời lạm phát tháng 2 có dấu hiệu chậm lại như dự đoán.
Điều đó khiến kỳ vọng của thị trường quay ngoắt 1800, từ chỗ lo lắng Fed sẽ quay lại bước tăng lãi suất 0,5% trong tháng 3 này sau thông điệp diều hâu tại buổi điều trần, thành dự đoán Fed sẽ chỉ tăng 0,25%, thậm chí là không tăng lãi suất nữa.
Đây là tình huống “tin xấu là tin tốt” với TTCK. Nếu Fed chấp nhận chậm lại, sức ép tăng giá của USD càng thấp.
Thứ ba là dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam vẫn mạnh. Thậm chí đợt mua ròng trở lại vừa qua của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn này không đáng lo ngại. Từ đầu tháng 3 đến nay, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các quỹ ETF cả nội lẫn ngoại trong thời gian này vẫn hút ròng 1.274 tỷ đồng, trong đó các quỹ ngoại đổ vào 460,6 tỷ đồng ròng. Còn từ đầu năm 2023 đến nay, quy mô vốn ngoại mua ròng tới 4.962 tỷ đồng.
Dù vậy giới đầu tư vẫn có lý do để thận trọng, vì những sự kiện gần đây là biến số quá mới. Nếu Fed vẫn kiên định chính sách kiềm chế lạm phát cứng rắn như cũ, thì việc NHNN giảm lãi suất là nước đi hơi sớm. Các dự báo chính sách vốn thay đổi như chong chóng, nên ở một thời điểm tình hình êm dịu và dự báo nghe hợp lý, nhưng sau đó lại có thể thay đổi.
Thí dụ ngay trong tháng 2 vừa qua, các tổ chức quốc tế vẫn dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần nữa đến cuối năm 2023, và chỉ chậm lại hoặc giữ nguyên trong 2024. Đột nhiên sau những biến cố NH sụp đổ, lại xuất hiện những dự báo Fed chỉ tăng lãi suất 0,25% trong tháng 3 và sẽ dừng tăng từ tháng 5.
Thực ra với thị trường, các mức lãi suất điều hành của NHNN mang tính chất định hướng và phát thông điệp là chính. Điều được quan tâm hơn là trần lãi suất huy động cũng như mặt bằng lãi suất cho vay thực tế.
Các NH cam kết giảm lãi suất là tin tốt, nhưng khả năng tiếp cận được các khoản vay lãi suất hợp lý mới là điều quyết định. Việc biểu lãi suất huy động giảm, nhưng vẫn có khoảng mờ trong câu chuyện lãi suất thực.
“Gió đông” cho chứng khoán bùng nổ?
TTCK có phiên tăng mạnh hơn 2% ngay sau khi có tin giảm lãi suất, cho thấy sự thấp thỏm mong chờ một tín hiệu tốt vào lúc này. Suốt từ đỉnh cuối tháng 1-2023 đến nay, thị trường chủ yếu là giảm và đi ngang, các yếu tố hỗ trợ vắng bóng.
Tuy vậy tín hiệu chính sách có đủ mạnh để thúc đẩy một xu hướng tăng trưởng mới của TTCK hay không lại là câu chuyện khác.
Rào cản đầu tiên, như đã nói ở trên, các yếu tố đột biến còn quá nhiều. Mọi sự hào hứng hiện tại đến từ giả định mang tính thời điểm, rằng NHNN đã bắt đầu đảo ngược chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng.
Bối cảnh bên ngoài cũng được giả định rằng Fed sẽ chậm đà tăng lãi suất và cắt nhanh hơn tiến trình này, thậm chí có thể dừng tăng từ kỳ họp tháng 5 tới đây. Các yếu tố này hoàn toàn có thể thay đổi, chẳng hạn kỳ họp vài tuần nữa, Fed vẫn có thể duy trì cường độ tăng lãi suất mạnh hơn kỳ vọng của thị trường. Khi đó những giả định sẽ lại khác đi.
Thị trường vẫn cần thời gian để sẵn sàng cho một tín hiệu chắc chắn hơn. Thậm chí ngay khi thực hiện giảm lãi suất, NHNN vẫn nhấn mạnh không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng, trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5%.
Thứ 2, một xu hướng giảm trên TTCK không dễ đảo ngược chỉ trong vài ngày hay vài tuần, mà cần một thời gian dài để củng cố và tích lũy, từ đó phát tín hiệu rõ ràng. Thí dụ biên độ tăng khoảng 3,7% của VN Index từ đầu tháng 3 tới nay không có nhiều ý nghĩa, nếu nhìn trong bức tranh trung hạn lẫn dài hạn, rằng thị trường vẫn đang trong xu thế giảm. Ít nhất đỉnh cao tháng 1-2023 vẫn còn nguyên.
Yếu tố thứ 3, cả quý I-2023 về cơ bản mặt bằng lãi suất cao, đơn hàng giảm, nên kết quả kinh doanh quý đầu năm của doanh nghiệp vẫn còn là ẩn số. Mùa ĐHCĐ trong tháng 3 sẽ tiết lộ nhiều kế hoạch kinh doanh dưới góc nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp, hơn là các phỏng đoán, phân tích. Thị trường cần ít nhất con số cụ thể để ước đoán triển vọng.
Thứ tư, về dòng tiền, thị trường đang thiếu hụt sức mua rất rõ. Một lượng tiền không nhỏ trên thị trường đã chạy sang kênh tiết kiệm. Mức lãi suất huy động đạt đỉnh khoảng cuối tháng 12-2022 và duy trì trong cả tháng 1-2023.
Giả định rằng các nhà đầu tư thích trú ẩn ở kỳ hạn ngắn nhất với lãi suất tốt nhất là 6 tháng (thời điểm đó rất nhiều ngân hàng nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng tới 1 năm bằng nhau), thì phải đến tháng 6 hoặc 7-2023 lượng vốn này mới được giải phóng.
Thêm nữa, tháng 5 sẽ là thời điểm quyết định khả năng Fed có khả năng đảo chiều chính sách hay không.