Sau chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce, đại diện SK Group xin từ nhiệm HĐQT Masan

Bà Chae Rhan Chun - đại diện cho SK Investment Vina I (thuộc SK Group của Hàn Quốc) - muốn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Masan sau 1 năm đảm nhận vị trí này. Tuy nhiên, lý do không được tiết lộ. Thông tin vừa được CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố.

Bà Chun mới được bổ nhiệm vào vị trí này trong năm 2023. Theo sơ yếu lý lịch, bà sinh năm 1979, quốc tịch Hàn Quốc, có trình độ MBA tại The University of Chicago Booth School of Business; cử nhân tại Korea University.

Vị nữ doanh nhân còn đang đảm nhiệm Giám đốc tại các đơn vị SK Investment Vina III (thuộc SK Group từ Hàn Quốc), MSN Investment, Maroon Bells. Bà đại diện cho SK Investment Vina I sở hữu gần 132 triệu cổ phiếu MSN (cá nhân và người liên quan không sở hữu) từ năm 2018. Sau khi bà Chae Rhan Chun rời đi, HĐQT của Masan sẽ còn lại 6 người.

Đại diện của SK Group rời HĐQT Tập đoàn Masan sau 1 năm đảm nhiệm thành viên HĐQT.

Đại diện của SK Group rời HĐQT Tập đoàn Masan sau 1 năm đảm nhiệm thành viên HĐQT.

Đáng chú ý, động thái này diễn ra trong bối cảnh Masan Group hôm 4/9 cũng vừa công bố chi 200 triệu USD để mua lại 7,1% cổ phần WinCommerce (WCM), tương đương mức định giá 2,8 tỷ USD của cổ đông Hàn Quốc SK Group. WCM đang vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart.

Số cổ phần còn lại sẽ được SK Group chuyển nhượng cho Masan trong tương lai với giá gốc mà cổ đông ngoại này đã đầu tư. Masan cho biết việc gia tăng sở hữu tại WCM giúp họ tăng cường khả năng kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong dài hạn.

Sau khi mua thêm cổ phần WCM, tỷ lệ nợ ròng trên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của Masan dự kiến giảm xuống dưới 3,5 lần. Ước tính này dựa trên việc lợi nhuận được cải thiện và dòng tiền vào doanh nghiệp gia tăng, trong đó bao gồm cả việc bán công ty thuộc mảng không cốt lõi là H.C. Starck.

Mặt khác, với SK Group, việc chuyển nhượng một phần cổ phần sở hữu tại WCM giúp tập đoàn Hàn Quốc ghi nhận lợi nhuận, đồng thời tiếp tục đầu tư dài hạn vào Masan với việc gia hạn quyền chọn bán.

Năm 2018, SK Group đã trở thành cổ đông lớn của Masan sau khi chi 530 tỷ won (khoảng 470 triệu USD) để mua lại gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan thông báo bán, qua đó sở hữu 9,5% vốn điều lệ của Masan và nắm giữ quyền chọn bán cổ phần cho Masan vào năm 2024.

SK Group cũng đầu tư 460 tỷ won (khoảng 410 triệu USD) vào WCM với 16,3% cổ phần và 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần The CrownX, nền tảng tích hợp tiêu dùng bán lẻ của Masan, hợp nhất WCM và Masan Consumer Holdings.

Từ năm ngoái, giới đầu tư đã bắt đầu đồn đoán SK Group có thể rút khỏi Việt Nam, bắt đầu từ việc thoái cổ phần tại Masan. Thông tin này góp phần đẩy giá cổ phiếu MSN giảm mạnh giai đoạn cuối năm 2023. Kéo theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đăng Quang cũng rời danh sách tỷ phú.

Sau đó, chính SK Group bác tin đồn và trả lời truyền thông Hàn Quốc rằng đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài cùng các công ty lớn trong nước. SK Group cho biết vẫn đang lên kế hoạch đưa Việt Nam thành "căn cứ kinh doanh ở Đông Nam Á".

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/sau-chuyen-nhuong-7-1-co-phan-wincommerce-dai-dien-sk-group-xin-tu-nhiem-hdqt-masan-1102142.html