Sau công bố dịch Covid-19 toàn quốc, việc kiểm soát ra, vào các vùng có dịch sẽ thế nào?

Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định việc hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện. Trường hợp cần thiết, phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế.

Chốt kiểm soát y tế tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh) trong ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Quang Thái.

Như tin đã đưa, ngày 1-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Điều 3 của Luật, các bệnh trong nhóm A đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Căn cứ Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong thời gian có dịch, trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch như tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.

Quy định cụ thể về việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch, Điều 53 của Luật nêu, đối với vùng có bệnh dịch thuộc nhóm A sẽ hạn chế ra, vào đối với người và phương tiện. Trường hợp cần thiết, phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế; cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch.

Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp quy định về kiểm soát ra, vào vùng dịch nêu trên.

Trước đó, vào ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra tại Việt Nam. Thời gian xảy ra dịch từ ngày 23-1, thời điểm xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh. Tại thời điểm công bố dịch, Việt Nam ghi nhận 6 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại 4 tỉnh, thành: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến ngày 1-4, thời điểm công bố dịch trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã có 212 ca nhiễm Covid-19, trong đó 58 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị nước ta đã và đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Gần đây nhất, ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trong đó có biện pháp về thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/963030/sau-cong-bo-dich-covid-19-toan-quoc-viec-kiem-soat-ra-vao-cac-vung-co-dich-se-the-nao